Bộ KH&ĐT cập nhật ba kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự báo tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp.
Bộ cập nhật ba kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Ở kịch bản 1, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm khoảng 5%, quý IV cần tăng 7% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).
Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Ở kịch bản cao nhất, GDP cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Theo Bộ KH&ĐT, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
Báo cáo cũng cập nhật dự báo từ các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay. Cụ thể, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,9%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023.
Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra mức dự báo 4,7%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,8% về mức 4,7%.
Bên cạnh đó, HSBC đánh giá triển vọng FDI và thương mại trong ngắn hạn của Việt Nam sẽ phục hồi tốt. ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, đạt mức 5,8% trong năm 2023.
Goldman Sachs nhận định dòng vốn FDI toàn cầu đang rời Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổ chức này nhận định rủi ro tín dụng và thanh khoản của thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn đỉnh điểm.
Hôm qua 29/9, Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế 9 tháng đầu năm. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33% so với cùng kỳ năm trước, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai chỉ số đều chỉ cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ hai năm COVID-19 (2020 và 2021).