|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn mong manh

08:00 | 30/09/2023
Chia sẻ
Đánh giá về bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng kinh tế thế giới biến động khó lường, với triển vọng không mấy tươi sáng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực bên ngoài, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn mong manh.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố sáng 29/9, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.Tuy nhiên con số vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP quý III của các năm ở thời kỳ trước COVID-19.

Kinh tế có dấu hiệu phục hồi

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2013 đến nay. (Nguồn: GSO).

Đánh giá về rõ hơn về bức tranh tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2023, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, kinh tế thế giới biến động khó lường, với triển vọng không mấy tươi sáng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của bên ngoài, mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn mong manh.

Dù vậy, kết quả tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 phản ánh tăng trưởng được thúc đẩy, tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong quý IV/2023 và tăng trưởng cao hơn trong năm tới.

Từ những số liệu thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam quý III và 9 tháng đầu năm vẫn đang trong xu hướng dần cải thiện.

Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%. Trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp 3,01 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng nhẹ và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,4 điểm %.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: GSO).

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ yếu tố bên ngoài như: Nhu cầu thế giới phục hồi yếu, lạm phát vẫn ở mức cao, chi phí nguyên nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định đều dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút.

Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng vì chi phí đầu vào tăng cao và thị trường xuất khẩu thu hẹp,…Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Sự phục hồi tuy còn yếu của hoạt động công nghiệp trong quý III tiếp tục là tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm. 

 

Bà Hương cho biết, động lực cho nền kinh tế quý IV sẽ đến từ khu vực đầu tư công khi các dự án đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư FDI. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng sẽ có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm. 

Về phía cung, mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân.

Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do hoạt động sản xuất đã bớt khó khăn và xu hướng tăng nhẹ của hoạt động xuất khẩu những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại. 

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng GSO đánh giá với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

4 giải pháp kích thích tăng trưởng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: VGP).

Đưa ra 4 giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình trong nước khó khăn, đầu tiên cần khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.

Theo ông, muốn kích cầu tiêu dùng cần giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo. Giữ ổn định, đồng thời thực hiện các đợt khuyến mại giảm giá hàng hoá và dịch vụ. Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng tăng giá vào mùa cao điểm.

Thứ hai là phải kích cầu đầu tư, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. Ưu các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế; các dự án có triển vọng thị trường.

"Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn", TS. Lâm nhìn nhận.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế và quy định cụ thể khoảng cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.

Thứ ba là giải pháp kích cầu xuất khẩu, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu.

Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu dịch vụ. Theo tính toán nếu giảm 10% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36%. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng và thực thi chiến lược tăng cường xuất khẩu, giảm thiểu nhập khẩu dịch vụ, tiến tới xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ.

Trong 3 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo, Chính phủ và các địa phương cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, cần có giải pháp dài hạn để từng bước giảm dần nhập siêu, tiến tới xuất siêu dịch vụ vận tải biển, nhằm biến ưu thế bờ biển dài, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế, với gần 300 bến cảng biển thành hiện thực đối với xuất khẩu dịch vụ vận tải.

Cuối cùng, với cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt để chủ động tìm kiếm nguồn và đối tác cung ứng kịp thời. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành để không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá, điều chỉnh lãi suất để chủ động trong xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính, kinh doanh.

Đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để chủ động ứng phó với khủng hoảng năng lượng, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.

Hạ An