|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận Cao su Phước Hoà (PHR) giảm 58% quý I

19:36 | 29/04/2021
Chia sẻ
Giá vốn hàng bán tăng cao ăn mòn lợi nhuận Cao su Phước Hoà trong quý I/2021.

CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu thuần đạt 280 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trên giá vốn giúp lợi nhuận gộp tăng 7% đạt 62 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí được kiểm soát. Đáng chú ý, lợi nhuận hoạt động khác giảm 167,62 tỷ đồng tương ứng giảm 99% chủ yếu là do trong quý I/2020 công ty ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn hai 156 tỷ đồng.

Do đó, kết thúc quý I, doanh nghiệp ghi nhận 88 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. 

Năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 1.921 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 751 tỷ đồng. Như vậy, sau quý I, PHR thực hiện 15% kế hoạch doanh thu và 13% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Cao su Phước Hoà (PHR) báo lợi nhuận sau thuế giảm 58% trong quý I - Ảnh 1.

Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2021 của PHR. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất PHR).

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của công ty tại ngày 31/3/2021 5.990 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó tiền và tiền gửi kỳ hạn là 1.902 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản.

Nợ phải trả của PHR tính đến cuối kỳ 2.672 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm và chiếm 45% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính là 551 tỷ đồng. Cuối kỳ, nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 3.314 tỷ đồng trong đó bao gồm 569 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nhận định về tình hình kinh doanh năm 2021, lãnh đạo PHR dự báo sản lượng tiêu thụ cao su tự nhiên trên thế giới sẽ phục hồi trở lại, đạt 13,43 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2020.

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 và việc Mỹ gây sức ép đến các hợp đồng dầu trong tương lai, kéo theo dự báo triển vọng nhu cầu nhiên liệu vẫn u ám trong năm 2021, ảnh hưởng lớn tới giá mủ cao su.

Theo giới chuyên môn, tình hình xuất khẩu năm 2021 cũng còn nhiều thách thức bởi thiếu hụt lượng container để vận chuyển. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chậm lại bởi nước này đã mua mạnh trong những quý cuối cùng của năm 2020.

Về triển vọng trong nước, PHR nhận định đây tiếp tục là một năm khó khăn đối với các hoạt động khai thác mủ cao su. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.

Huyền Trâm