|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi nhuận các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm tháng thứ bảy liên tiếp

20:27 | 27/08/2023
Chia sẻ
Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7/2023 đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, kéo dài thời gian sụt giảm của năm nay sang tháng thứ bảy liên tiếp, do nhu cầu yếu gây áp lực lên các công ty khi quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 chững lại ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, thu nhập trong bảy tháng đầu năm nay của các công ty công nghiệp đã giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 16,8% trong nửa đầu năm nay.

Theo chuyên gia Sun Xiao của NBS, giá hàng hóa đang ở mức thấp, áp lực lên chi phí nguyên liệu thô trong các ngành công nghiệp phần nào đã giảm bớt. Chi phí các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhìn chung đã được cải thiện.

Các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc đã báo cáo thua lỗ trong nửa đầu năm nay, trong đó công ty China Aluminum International báo cáo khoản lỗ ròng 830,6 triệu nhân dân tệ (114,2 triệu USD), so với lợi nhuận ròng 123,6 triệu nhân dân tệ cùng kỳ năm trước.

Các ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay xuống dưới mục tiêu khoảng 5% của chính phủ khi quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp do sự sụt giảm tài sản ngày càng tồi tệ, chi tiêu tiêu dùng yếu và tăng trưởng tín dụng giảm.

Trước tình hình này các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất và cơ quan chức năng cam kết sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ thêm.

Số liệu cũng cho thấy thu nhập của các doanh nghiệp nhà nước đã giảm 20,3% trong 7 tháng đầu năm nay, các công ty nước ngoài giảm 12,4% và các công ty thuộc khu vực tư nhân ghi nhận mức giảm 10,7%. Lợi nhuận giảm mạnh ở 28 trong số 41 ngành công nghiệp chủ chốt trong giai đoạn này, trong đó ngành luyện kim và chế biến kim loại màu báo cáo mức sụt giảm sâu nhất 90,5%.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết, trong tháng 8/2023 sẽ duy trì chính sách "chính xác và mạnh mẽ" để hỗ trợ phục hồi. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi hôm 22/8 Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi và các nguyên tắc cơ bản cho tăng trưởng dài hạn vẫn không thay đổi.

Vân Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.