Lợi nhuận ACV có thể khó bứt phá với hai 'gọng kìm' năm 2023
Trong báo cáo cập nhật về Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV), Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, trong ngắn và trung hạn, triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam đang chịu sự phụ thuộc lớn vào tiềm năng hồi phục của các đường bay quốc tế, đặc biệt là với thị trường Trung quốc.
Thêm vào đó, áp lực gia tăng chi phí lãi vay và doanh thu tài chính sụt giảm nhằm đáp ứng nhu cầu thu xếp nguồn vốn phục vụ cho hai dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có thể ảnh hưởng đến dòng tiền và gây áp lực lên biên lợi nhuận của ACV trong năm 2023.
Điểm sáng trong năm 2023
VCBS cho rằng, triển vọng phục hồi của ngành hàng không Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào sự tăng trưởng của nhóm khách quốc tế - thị trường mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng bay nội địa. Tuy nhiên sự phục hồi này diễn ra không đồng đều giữa các khu vực, ví dụ như châu Âu là 79%, Trung Đông là 83%, trong khi châu Á - Thái Bình Dương chỉ đạt 23% trong năm 2022 do các quốc gia thực thi biện pháp phòng dịch COVID-19 quyết liệt.
Song, đơn vị phân tích cũng cho rằng, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong năm 2023. Dữ liệu từ Google cho thấy, lượng tìm kiếm trung bình về hàng không quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã tăng hơn 26% so với mức trung bình trong năm 2022, báo hiệu những tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch nội địa.
Còn về dài hạn, VCBS nhận thấy, ACV có nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn ở dự án sân bay Long Thành. Tính đến cuối tháng 1/2023, hạng mục xây dựng tường rào đã đạt gần 85%. Hiện tại, ACV đang tập trung san nền tại các khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và khu vực bố trí các dự án thành phần 1, 2, 4.
Các hạng mục đường băng, sân đỗ đã được đấu thầu vào tháng 2 . Đối với hai tuyến giao thông số 1, số 2 kết nối với sân bay Long Thành, hiện đã xong phần thiết kế kỹ thuật, dự kiến cuối quý I năm nay sẽ khởi công nếu được địa phương sớm bàn giao mặt bằng.
Hai thách thức lớn của ACV
Bên cạnh những tiềm năng, VCBS cho rằng năm 2023, ACV có thể gặp hai thách thức lớn là: Rủi ro trong chính sách mở cửa du lịch của Trung Quốc với Việt Nam; Áp lực gia tăng chi phí tài chính để tài trợ nguồn vốn cho các dự án đầu tư.
Đầu tháng 1/2023, Trung Quốc thông báo mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng COVID-19. Sau đó một tháng, “đất nước tỷ dân” nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài gồm 20 nước nhưng không có Việt Nam. Hiện tại, khách Trung Quốc tới Việt Nam chủ yếu là nhóm khách công vụ, thương nhân, du học sinh và mới chỉ chiếm khoảng 10%. Trong khi đó, nhóm khách du lịch đi theo đoàn lớn mới là động lực tăng trưởng chính cho ngành hàng không.
Ngoài ra, đơn vị phân tích dự báo, nhu cầu hàng không nội địa có thể chững lại trong năm 2023 khi đi qua mức nền cao của năm trước.
Thêm vào đó, theo VCBS, một yếu tố khác sẽ khiến ACV gặp khó trong năm 2023 là: Lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của công ty có thể sụt giảm do tài trợ cho dự án sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; Sự hồi phục tỷ giá của đồng yên có thể làm gia tăng áp lực hạch toán chi phí tài chính cho ACV trong thời gian tới.
Từ những nhận định trên, VCBS dự phóng năm 2023, doanh thu của ACV đạt 17.581 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 7.254 tỷ đồng tăng lần lượt 27%, 2% so với cùng kỳ. Sang năm 2024, lãi ròng của công ty có thể đạt 7.650 tỷ đồng.