|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lời khuyên tài chính của TikToker, đáng nghe hay không?

20:02 | 03/06/2024
Chia sẻ
Từ phương pháp bỏ tiền mặt vào phong bì (Cash stuffing) đến lập ngân sách công khai (Loud Budgeting), TikTok đầy ắp các mẹo quản lý tài chính và điều này đang hấp dẫn một lượng lớn người dùng, theo CNBC.

Financial TikTok hay còn được gọi là #FinTok, hiện là một trong những nguồn cung cấp thông tin, mẹo và lời khuyên tài chính phổ biến nhất trên nền tảng video ngắn này, đặc biệt là thế hệ Gen Z.

Với ít cơ hội tiếp cận với các cố vấn chuyên nghiệp và sở thích nhận thông tin trực tuyến, Gen Z có xu hướng tương tác với nội dung từ các "finfluencer" trên TikTok, YouTube và Instagram nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác, theo báo cáo của Viện CFA.

Theo một báo cáo riêng của CreditCards.com, Gen Z có khả năng nhận lời khuyên tài chính từ mạng xã hội cao gấp gần 5 lần so với người lớn ở độ tuổi 40 trở lên. Tuy vậy, ngay cả lời khuyên tốt nhất cũng có thể phản tác dụng.

 Minh hoạ: The Guardian.

Kênh CNBC đã liệt ra những lời khuyên cần thiết nhất khi tiếp nhận thông tin về tài chính trên nền tảng mạng xã hội. Đầu tiên là “Lập ngân sách công khai" (Loud Budgeting) khuyến khích người tiêu dùng kiểm soát tài chính của mình và công khai những hành động để thực hiện mục tiêu đó, là một trong những xu hướng hàng đầu của năm nay.

Ông Paul Hoffman, một nhà phân tích dữ liệu tại BestBrokers, cho rằng việc cắt giảm chi tiêu không cần thiết có thể là chìa khóa để thiết lập nền tảng tài chính nhưng hạn chế những tương tác xã hội cũng có cái giá của nó. 

Trước khi bỏ qua một buổi xem phim hoặc hẹn hò ăn tối với bạn bè, hãy cân nhắc về việc từ chối những lời mời đó có thể dẫn đến sự thất vọng và căng thẳng tinh thần. Ông Hoffman cho rằng có thể có những cách tốt hơn để cắt giảm chi tiêu mà không phải hy sinh thời gian bên những người thân yêu. 

"Điều quan trọng là tìm ra sự cân bằng giữa việc tiết kiệm và tham gia vào các hoạt động thú vị," ông nói.

Ngoài Loud Budgeting, ngày càng có nhiều thanh niên thử phương pháp “100 phong bì” (100 envelope), gợi ý tiết kiệm thêm một USD/ngày trong 100 ngày. Vào ngày đầu tiên, bạn sẽ để dành một USD, sau đó hai USD vào ngày tiếp theo và cứ tiếp tục như vậy, nên sau 100 ngày, bạn sẽ tiết kiệm được hơn 5.000 USD.

Điều này có vẻ là một ý tưởng tốt với một mức tiết kiệm mỗi ngày tương đối thấp, theo nhà phân tích tín dụng Matt Schulz. Đặc biệt là sau hàng loạt đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang, lãi suất tiết kiệm hiện có nơi đã vượt mức 5%, theo Bankrate.com.

Nếu có 5.000 USD trong một tài khoản tiết kiệm có lãi suất là 5%, bạn sẽ kiếm được khoảng 250 USD tiền lãi trong một năm.

Một phương pháp quản lý tài chính khác được gọi là "bỏ tiền mặt vào phong bì” (Cash stuffing) đề xuất chia tiền chi tiêu của bạn vào các phong bì đại diện cho các khoản chi tiêu hàng tháng của bạn, như nhu yếu phẩm và xăng dầu, để duy trì ngân sách và tránh nợ nần.

Khi tiền trong một phong bì đã hết, bạn hoặc phải dừng chi tiêu trong danh mục đó trong tháng đó hoặc phải vay từ một phong bì khác. Tuy nhiên, việc cất tiền mặt khiến bạn dễ gặp rủi ro với trộm cắp và có thể bỏ qua các quyền lợi ở ngân hàng. Việc bạn có được bảo hiểm trong trường hợp bị trộm cắp hay không có thể phụ thuộc vào chính sách bảo hiểm nhà của bạn, trong khi các ngân hàng được bảo hiểm bởi các cơ quan quản lý.

"Thử thách không chi tiêu” (No spend) cũng là một xu hướng nổi trội, khuyến khích loại bỏ tất cả các khoản mua sắm không cần thiết hoàn toàn trong một tuần, một “tháng không mua sắm” hoặc thậm chí một năm, và dành tiền sẽ chi cho các bữa ăn ngoài hoặc quần áo mới vào một mục tiêu tài chính dài hạn.

“Việc biến nó thành trò chơi có thể khá thú vị,” Ted Rossman, nhà phân tích ngành cấp cao tại Bankrate, nói với CNBC. Tuy vậy, những thử thách này có thể khó duy trì theo thời gian.

Cuối cùng, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng không có đường tắt nào để thực hành thói quen tài chính tốt. “Không có mẹo nào có thể dạy bạn tự kiểm soát, chi tiêu có ý thức hoặc cách giữ cho số dư của bạn ở mức thấp,” Hoffman nói thêm.

Thành Vũ