|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi ích bất ngờ của suy thoái: Giúp con người sống lâu hơn

16:22 | 23/03/2024
Chia sẻ
Báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ chỉ ra, suy thoái làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của người cao tuổi và những người không có bằng đại học.

(Hình minh họa: Business Insider). 

Lợi ích bất ngờ

Khi nền kinh tế suy thoái, không ít người sẽ gặp rắc rối. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ nhảy vọt, giá trị nhà xuống dốc, người tiêu dùng có ít tiền hơn để chi tiêu và buộc trì hoãn các quyết định tài chính quan trọng như mua nhà, kết hôn và sinh con.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho thấy suy thoái cũng đi kèm một tác dụng tốt là giúp con người sống thọ hơn. Theo báo cáo từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), trong thời kỳ Đại Suy thoái (2007 - 2009), khi tỷ lệ thất nghiệp trong một khu vực tăng 1 điểm % thì tỷ lệ tử vọng sẽ giảm 0,5 điểm %. 

Tỷ lệ thất nghiệp trong một khu vực càng cao thì người vùng đó càng sống lâu, đặc biệt là những người trên 64 tuổi và những người không có bằng đại học. Thêm nữa, đối tượng được hưởng lợi bất ngờ từ suy thoái kinh tế là môi trường, cụ thể là không khí trở nên trong lành hơn.

Báo cáo viết: “Khi suy thoái ập đến, tỷ lệ tử vong cũng ngay lập tức giảm. Tác động này kéo dài trong ít nhất 10 năm”. Các nhà kinh tế NBER kết luận rằng nhờ Đại Suy thoái, cứ 25 người thì có một người có thêm một năm tuổi thọ.

Báo cáo viết thêm: “3/4 mức giảm của tỷ lệ tử vong thuộc về nhóm người cao tuổi. Theo ước tính của chúng tôi, thu nhập của nhóm tuổi này không chịu bất cứ tác động trực tiếp nào từ Đại Suy thoái”. Điều đó có nghĩa là hầu hết những người sống lâu hơn nhờ suy thoái không chịu ảnh hưởng tài chính trực tiếp từ nó.

Nguyên nhân quan trọng nhất giúp tuổi thọ con người tăng trong suy thoái là không khí trở nên trong sạch hơn. Khi nền kinh tế sa sút, ít người đến nơi làm việc hơn, hoạt động của các nhà máy và văn phòng cũng giảm tốc, làm giảm bụi mịn trong không khí.

Đồng thời, sự sụt giảm của tỷ lệ tử vong diễn ra tập trung trong nhóm dân số có trình độ học vấn cấp ba hoặc thấp hơn. Thông thường, những người này bị ảnh hưởng nhiều bởi ô nhiễm không khí hơn những người có bằng cấp tốt hơn.  

Các tác giả báo cáo chỉ ra: “Ô nhiễm không khí giảm bớt nhờ suy thoái có thể giải thích cho hơn 1/3 mức giảm của tỷ lệ tử vong trong giai đoạn này”.

Các trường hợp tử vong liên quan tới ô nhiễm như bệnh tim, tự sát và tai nạn xe cộ đều giảm xuống trong giai đoạn suy thoái. Ô nhiễm khiến các hạt bụt xâm nhập vào máu, làm suy giảm chức năng của tim. Ô nhiễm cũng có thể làm tăng số vụ tai nạn xe cộ gây chết người bởi người lái xe trở nên kích động hơn và khó làm chủ chức năng nhận thức theo thời gian thực hơn.

Tăng trưởng kinh tế và tuổi thọ

Theo tờ Fortune, việc thúc đẩy hoạt động kinh tế thường khiến ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Đó là một trong lập luận chính dẫn đến sự ra đời của “giảm tăng trưởng” (degrowth) - lý thuyết kinh tế cổ vũ việc giảm tiêu thụ tài nguyên trên toàn cầu.  

Theo một nghiên cứu vào năm 2022, các nền kinh tế phát triển có đủ khả năng giảm quy mô sản xuất vẫn có thể tạo ra cuộc sống thịnh vượng cho người dân nếu “ngừng đặt tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu”. Chiến lược này còn giúp giải phóng năng lượng và vật liệu cho các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn cần tăng trưởng.

Theo nghiên cứu, mô hình giảm tăng trưởng có thể "giúp ổn định nền kinh tế và hỗ trợ các nước đạt được các mục tiêu xã hội cũng như sinh thái”. Mô hình này khác với suy thoái - hiện tượng có bản chất hỗn loạn và gây bất ổn xã hội.

Mô hình giảm tăng trưởng cũng thách thức cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu, vốn bị ràng buộc bởi “ý tưởng cho rằng các doanh nghiệp, ngành và quốc gia phải gia tăng sản lượng hàng năm dù điều đó có cần thiết hay không”. Các nỗ lực theo đuổi tăng trưởng thúc đẩy biến đổi khí hậu và gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái.

Không ít chính phủ cũng phải đau đầu vì các mục tiêu mâu thuẫn là kích thích tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe con người.

Giang