|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ít nhất 13 NHTW nhóm họp trong tuần này, Fed và BoJ sẽ là nhân tố khuấy đảo thị trường

08:15 | 18/03/2024
Chia sẻ
Trong tuần mà một loạt ngân hàng trung ương lớn nhóm họp, nhà đầu tư có thể sẽ quan tâm nhiều nhất đến khả năng nới lỏng chính sách của Fed và liệu BoJ có chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Bên cạnh Chủ tịch ECB Christine Lagarde (ngoài cùng bên trái) là hai nhân vật sẽ khuấy đảo thị trường tài chính toàn cầu tuần này: Chủ tịch Fed Jerome Powell (ngoài cùng bên phải) và Thống đốc BoJ Kazuo Ueda. (Ảnh: Kyodo).

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, hiếm khi nào thị trường tài chính toàn cầu được dịp rôm rả như tuần này. Trong 5 ngày tới, ít nhất 13 ngân hàng trung ương lớn sẽ tổ chức họp chính sách. Các quan chức sẽ quyết định chi phí đi vay đối với 6 trong số 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới.

Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 20/3 sẽ là trọng tâm. Liệu một nền kinh tế tăng trưởng ổn định có buộc các quan chức Fed từ bỏ ý định hạ lãi suất, hay liệu triển vọng về ba lần cắt giảm trong năm nay vẫn còn phù hợp - đây sẽ là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư.

Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 19/3 cũng có ý nghĩa lớn. BoJ đang đứng trước thời khắc quan trọng là tăng chi phí đi vay và chấm dứt tình trạng giảm phát đã kéo dài hàng chục năm. Theo Bloomberg, quyết định của BoJ sẽ tạo ra dư chấn vì Nhật Bản là một phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Ở châu Âu, các ngân hàng trung ương từ Anh cho đến Thụy Sỹ cũng đang cân nhắc hạ chi phí đi vay. Trong khi đó, cả 4 ngân hàng trung ương ở khu vực Mỹ Latin đều dự tính sẽ bắt đầu hoặc kéo dài chu kỳ nới lỏng.

Dưới đây là các cuộc họp chính sách quan trọng nhất trong 5 ngày tới:

Thứ Hai (18/3)

Pakistan sẽ là tâm điểm vào đầu tuần.

Trong bối cảnh một nhóm quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa đến thăm nước này vào cuối tuần trước để thảo luận về chương trình cho vay của chính phủ, hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đều dự đoán ngân hàng trung ương Pakistan sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 22%.

Tuy nhiên, số ít nhà kinh tế dự đoán Pakistan sẽ giảm lãi suất với quy mô từ 25 đến 100 điểm cơ bản (bps).

Thứ Ba (19/3)

Cuộc họp của BoJ sẽ là sự kiện được theo dõi sát sao nhất trong vài thập kỷ qua, khi các quan chức ngân hàng trung ương Nhật Bản cân nhắc có nên chấm dứt hệ thống lãi suất âm cuối cùng trên thế giới ngay bây giờ hay đợi đến tháng 4.

Trước cuộc họp của BoJ vài ngày, Tổng liên đoàn lao động Nhật Bản (Rengo) thông báo các cuộc đàm phán vào mùa xuân đã dẫn đến đợt tăng lương mạnh nhất trong hơn 30 năm qua.

Đây có thể là một tín hiệu tích cực đến các quan chức BoJ. Từ lâu, các nhà hoạch định chính sách đã mong mỏi rằng việc tăng lương sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Các nhà kinh tế đang không chắc liệu BoJ có hành động vào ngày 19/3 hay không. Ông Taro Kimura, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg Economics, đánh giá: “Chúng tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để thắt chặt chính sách”.

Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) có thể sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 4,35% sau khi lạm phát tháng 1 tăng nhẹ hơn dự kiến. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào việc RBA có tiếp tục thái độ diều hâu hay phát tín hiệu về một thay đổi nào đó trong vài tháng tới.

 

Thứ Tư (20/3)

Bộ ba quyết định chính sách ở châu Á và châu Âu có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trước các sự kiện chính trong ngày. Đầu tiên, ngân hàng trung ương Indonesia được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất.

Tại châu Âu, Iceland có thể sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng khi giảm lãi suất 25 bps từ mức cao kỷ lục 9,25%, theo ngân hàng Islandsbanki hf. Lạm phát hạ nhiệt và thoả thuận trả lương dài hạn có thể giúp các quan chức yên tâm trước khả năng xuất hiện vòng xoáy giá - lương.

Ngân hàng trung ương Czech có thể sẽ hành động quyết liệt hơn. Hầu hết các nhà kinh tế kỳ vọng cơ quan này sẽ giảm lãi suất 50 bps và một người khác dự đoán Czech sẽ có động thái lớn hơn.

Sau đó, sự chú ý sẽ chuyển sang bên kia bờ Đại Tây Dương. Fed được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp.

Trong bối cảnh tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ và giá cả tăng cao hơn dự kiến trong hai tháng đầu năm, các quan chức Fed đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không vội nới lỏng chính sách.

Hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đều kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất ba lần trong năm nay, lần đầu vào tháng 6 - phù hợp với dự đoán của thị trường.

Hồi đầu tháng, trong hai phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức hiện “không còn xa” thời điểm có đủ tự tin để bắt đầu hạ lãi suất.

Đến cuối ngày 20/3, ngân hàng trung ương Brazil dự kiến sẽ giảm lãi suất 50 bps lần thứ 6 liên tiếp. Theo đó, lãi suất chuẩn tại quốc gia Mỹ Latin sẽ tụt xuống còn khoảng 10,75%.

 

Thứ Năm (21/3)

Một số ngân hàng trung ương khu vực Tây Âu đã đạt đến điểm bước ngoặt về chính sách tiền tệ, ba cuộc họp vào ngày 21/3 sẽ tiết lộ phần nào tình hình thực tế.

Đầu tiên, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ được hầu hết nhà kinh tế dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất, dù hai chuyên gia tin rằng các quan chức sẽ cắt giảm lãi suất thay vì chờ đợi các ngân hàng trung ương khác nới lỏng chính sách trước.

Ngay sau đó, ngân hàng trung ương Na Uy cũng dự kiến sẽ giữ chi phí đi vay ở mức ổn định. Các nhà đầu tư đang tập trung vào những thay đổi tiềm ẩn trong triển vọng chính sách của ngân hàng này.

Hầu hết các nhà kinh tế vẫn tin rằng phải đến quý III thì ngân hàng trung ương này mới hạ lãi suất, ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán.

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ có thêm dữ liệu lạm phát mới trước khi ra quyết định lãi suất. Tuy vậy, nhiều khả năng BoE sẽ “án binh bất động” như Fed.

Trong bối cảnh lạm phát chững lại nhưng có khả năng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, ngân hàng trung ương Anh cũng không vội nới lỏng chính sách.

Nhà đầu tư có thể tập trung vào kết quả bỏ phiếu của ủy ban chính sách tiền tệ. Các quan chức BoE đang chia rẽ quanh ba phương án là giữ nguyên, tăng hoặc giảm lãi suất.

Thị trường cũng sẽ theo dõi sát quyết định chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi số liệu lạm phát tháng 2 cao hơn dự kiến. Nhiều ngân hàng, bao gồm JPMorgan, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng lãi suất vượt mức hiện tại 45%.

Sau đó, trọng tâm của nhà đầu tư sẽ lần nữa chuyển sang khu vực Mỹ Latin. Các quan chức ngân hàng trung ương Mexico có thể sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất đã được mong chờ từ lâu - nhiều khả năng hạ 25 bps.

Banco de Mexico, dưới sự dẫn dắt của Thống đốc Victoria Rodriguez, đã giữ nguyên chi phí đi vay ở mức cao kỷ lục 11,25% kể từ tháng 3 năm ngoái.

Thứ Sáu (22/3)

Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 22/3. Các quan chức nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chi phí đi vay ở mức 16% lần thứ hai liên tiếp.

Lạm phát tại Nga đang neo quanh mức 7,7% - cao hơn nhiều so với mục tiêu 4%. Vì vậy, ngân hàng trung ương nước này từng tuyên bố họ chỉ có thể bắt đầu giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Yên Khê