|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lời giải cho bài toán giá vật tư nông nghiệp tăng cao

03:00 | 31/03/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn do thực trạng giá phân bón tăng cao kéo dài, nông dân Lào Cai nhận thấy rõ hơn giá trị của các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được tận dụng quay trở lại làm phân bón hoặc nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác.

Không chỉ giúp hình thành môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả và bền vững, mô hình này còn là lời giải cho bài toán giá vật tư nông nghiệp tăng phi mã, giúp giảm áp lực chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất.

Chăm sóc đàn lợn đen tại doanh nghiệp Anh Nguyên (Bắc Hà). (Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN).

Mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm từ cây trồng để vừa bảo vệ môi trường, vừa có phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đang được nhiều hộ chăn nuôi từ vùng thấp đến vùng cao, từ trang trại đến gia trại của Lào Cai quan tâm thực hiện. 

Với quy mô chăn nuôi lên tới 60 con gia súc, gia đình ông Phạm Hồng Điều, thôn Lương Hải 1, xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên đã áp dụng biện pháp ủ phân chuồng bằng men vi sinh hữu cơ để phục vụ phát triển cây ăn quả, cây lâm nghiệp trên 3ha của gia đình mang lại hiệu quả cao.

Ông Điều cho biết: "Ủ phân để bón cho hoa màu, cây cối giảm được 2/3 chi phí mua phân ở thị trường, vừa bảo vệ môi trường, vừa tốt cho cây trồng. Tôi ủ thành từng đợt phục vụ sản xuất cả năm".

Trang trại tổng hợp của gia đình bà Đào Thị Vuông, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng có diện tích rộng hơn 10 ha, được gia đình phân chia làm ba khu sản xuất, gồm 7 ha rừng quế, mỡ, xây dựng 3 dãy chuồng lạnh chăn nuôi lợn, đào ao thả cá, 2 ha nuôi gà dưới tán rừng và trồng 3 ha chuối cấy mô mang lại tổng thu nhập khoảng 7 tỷ đồng mỗi năm.

Với 30 con lợn nái, hơn 300 con lợn thịt, máy phát điện chạy bằng khí biogas tại nhà bà không chỉ phục vụ thắp sáng, sử dụng máy điều hòa, máy giặt, tủ lạnh, máy quạt, moteur bơm nước… mà còn thắp sáng cho toàn bộ trang trại gần 1 ha, sử dụng điện trong chế biến thức ăn, dội rửa chuồng…

Bà Vuông cho biết, trước đây, tất cả chất thải đều chứa trong hố ngay cạnh trại nuôi, người lao động phải hứng chịu mùi hôi thối, khó chịu, nay với hai hầm biogas được che phủ kín nên mùi hôi không phát tán ra môi trường. Nước thải sau xử lý, hàng tuần, đều lấy bón cho cây trồng.

Gia đình còn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hai tuyến đường ray vận hành tự động; một tuyến chở thức ăn, vôi bột và vận dụng chăn nuôi lên khu trại; một tuyến để chở chất thải chăn nuôi gà sang bón cho vườn chuối cùng hệ thống thu gom chất thải vào các dàn bể bioga, máy bơm công suất lớn để bơm lên đỉnh đồi tưới cho 3.500 gốc chuối mô, cam, thanh long... tạo nên khu sản xuất liên hoàn khoa học của một mô hình trang trại làm kinh tế tổng hợp. 

Cũng nằm ngay xã Xuân Quang, trang trại tổng hợp của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tú, làng Bông nằm cao chót vót trên khu đồi làng Bông, phải mất gần 20 phút đi bộ qua ao cá, chuồng nuôi đại gia súc và ngược lên rừng quế mới đến được đỉnh đồi với mặt bằng rộng 1 ha. Toàn bộ vùng đồi này là nơi anh Tú chăn thả 20 vạn con gà ri. 

Anh cho biết, chăn nuôi gà bằng hệ thống tự động hoàn toàn bằng cám sạch cộng với chăn thả tự nhiên, tận dụng phế phụ phẩm từ trồng trọt nên không mất nhiều thời gian cho ăn uống. Vì chuồng trại nằm trên đồi có độ dốc cao nên mưa xuống gột rửa hết chất thải, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Phân gà anh ủ hoai rồi tận dụng bón đồi quế rộng 10ha nằm kế bên.

Theo anh Tú, phân gà không những chứa hàm lượng hữu cơ cao mà còn chứa hàm lượng N-P-K vượt trội hơn các loại phân dê, phân trâu bò, phân trùn quế... có chất lượng cao hơn hẳn các loại phân chuồng khác.

Ngoài nuôi gà, trồng quế, trang trại anh Tú còn nuôi cá, nuôi lợn, trâu và tận dụng hiệu quả hệ thống biogas. Anh Tú chia sẻ, hệ thống biogas rất tiện, không phải xả thải ra môi trường. Khí ga thì để sưởi ấm cho lợn trong mùa đông. Nước dùng để tưới cho cây trồng phát triển rất tốt. Phân chuồng qua xử lý nuôi giun quế làm thức ăn cho cá, gà...

Tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm

Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, mỗi năm, Lào Cai có khoảng 1,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các loại phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp (rơm, rạ, cỏ dại, lá rau, mùn cưa, tro, trấu …) sẵn có tại địa phương.

Hiện nay, trong tổng số trên 115.400 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Lào Cai, có trên 82% số hộ đã có chuồng trại xây kiên cố; khoảng 7.000 hộ đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, còn lại đa số thực hiện xử lý chất thải bằng hố ủ phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Đây là những nguồn nguyên liệu phân hữu cơ lớn cung cấp cho sản xuất trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng lớn cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Giá các mặt hàng phân bón tại Lào Cai đang tăng cao, phổ biến từ 1,4 - 1,6 lần. Riêng một số mặt hàng như đạm ure, kali clorua, kali sulfat tăng gấp hơn hai lần so với đầu năm 2021. Do đó, một số diện tích cây trồng đến kỳ chăm sóc người dân sử dụng lượng phân bón ít hơn, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, nguy cơ giảm năng suất cuối vụ.

Để đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng, giảm áp lực chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất, nhằm từng bước hình thành nền nông nghiệp nói "không" với hóa chất, đặc biệt là trong thời điểm giá phân bón hóa học tăng mạnh như hiện nay, Sở NN&PTNT Lào Cai vừa có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường việc tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.

Theo đó, ngành nông nghiệp Lào Cai yêu cầu các địa phương khẩn trương tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như kỹ thuật SRI, IPM, sản xuất hữu cơ… sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; chuyển đổi phương thức canh tác sang sản xuất hữu cơ thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc lạm dụng phân bón vô cơ; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế dần phân vô cơ, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với sâu, bệnh hại và bảo vệ môi trường.

Ngành yêu cầu tăng cường tập huấn, hướng dẫn, xây dựng các mô hình theo chuỗi tuần khép kín giữa trồng trọt với chăn nuôi, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa; thực hiện các tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, Global GAP trong sản xuất; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, các chế phẩm sinh học, góp phần cải tạo đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và giảm dần việc sử dụng phân bón vô cơ, giảm áp lực chi phí vật tư đầu vào cho sản xuất.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT Lào Cai đề nghị các địa phương kiểm tra chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm kiểm soát tốt giá cả, chất lượng phân bón và vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với hành vi tự ý tăng giá, ém hàng, hành vi kinh doanh buôn bán các sản phân bón giả, kém chất lượng hoặc kinh doanh các loại phân bón, vật tư nông nghiệp chưa được công nhận, cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Hương Thu