|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lối đi nào cho xử lý nợ xấu?

09:19 | 27/10/2016
Chia sẻ
Theo các diễn giả, vấn đề xử lý nợ xấu còn tồn tại một số khó khăn liên quan đến pháp lý, nhân lực, tài chính. Chứng khoán hóa nợ xấu có thể là biện pháp giải quyết hữu hiệu vấn đề này.

Tổng nợ xấu bán cho VAMC là 220.000 tỷ đồng trong gần 4 năm

Tại Hội thảo về Xử lý nợ xấu tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Cổ phần mua bán nợ (VAMC) cho biết, từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, khối lượng nợ xấu đã bán cho VAMC là 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40%, phần còn lại TCTD tự xử lý bằng nhiều hình thức như thu hồi nợ khách hàng (khoảng 180.000 tỷ đồng), phát mại - thi hành án (16.000 tỷ đồng), trích dự phòng rủi ro (141.000 tỷ đồng).

Như vây, sau 4 năm triển khai, con số dư nợ nội bảng hiện nay tại VAMC là 256.000 tỷ đồng với giá mua 227.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu đặc biệt.

Đến nay, tính cả khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, sau khi thu hồi nợ và trích dự phòng, nợ xấu đạt 180.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 5,84%.

VAMC đối mặt khó khăn

Theo ông Hùng, có nhiều bất cập và khó khăn trong công tác thu hồi nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB). VAMC đã tiếp xúc với 35 tổ chức quốc tế và 17 tổ chức trong nước đến nghiên cứu, có ý định tham gia vào quá trình xử lý nợ. Tuy nhiên, dù có kí thỏa thuận hợp tác, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không mặn mà với vấn đề này. Sở dĩ như vậy, theo VAMC, là do họ không có quyền tự quyết các khoản nợ của chủ nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Nhìn nhận vấn đề nội tại của VAMC, ông Hùng cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến quá trình thực hiện của xử lý nợ xấu mới chỉ đạt được con số khiêm tốn như vậy.

Đầu tiên là vấn đề con người. Theo ông Hùng, nhân lực của VAMC chỉ là 141 công nhân viên nhưng phải giải quyết con số gần 25.000 khoản nợ. Khối lượng công việc quá lớn trong khi không có mạng lưới chi nhánh khiến tiến trình thực hiện chậm chạp và chất lượng xử lý vẫn ở mức thấp. Mặt khác, việc thu hút người có đủ trình độ về làm việc cho VAMC cũng không dễ bởi không có một tương lai chắc chắn nào cho họ sau khi VAMC hoàn thành “sứ mệnh” của mình.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ của VAMC, tính cả phần mới được cấp bổ sung chỉ là 2.000 tỷ trong khi giá trị dư nợ nội bảng các khoản trái phiếu đặc biệt là 256.000 tỷ đồng nợ gốc. Do đó dù VAMC có muốn đẩy nhanh tốc độ cũng khó mà thực hiện ngay được.

Đối với các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý, ông Hùng cho rằng hiện tại các điều luật còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo NĐ53 và NĐ163, VAMC được phép thu hồi nợ và TSĐB, tuy nhiên thực tế, không có cơ chế nào hỗ trợ và việc thu hồi nợ sẽ không thể diễn ra nếu không có được sự đồng thuận của khách hàng.

Hơn nữa, cho dù VAMC có thống nhất được phương án thu hồi với khách hàng thì công tác xác định giá trị TSĐB để đấu giá cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ, khách hàng mong muốn xác định giá trị TSĐB phải trả được nợ gốc, nhưng giá trị đấu giá khởi điểm luôn ở mức rất cao so với thực tế. Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng dự án bất động sản, tại điều 49 luật kinh doanh BĐS yêu cầu mọi giao dịch cần phải có sổ đỏ, nhưng bản thân khách hàng không thể tiếp tục sử dụng nó để làm căn cứ cho quá trình chuyển nhượng do đã mang đi thế chấp trước đó.

Ông Hùng cho rằng, cần phải có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề nợ xấu, nợ xấu không phải do một mình các NHTM gây ra mà NHTM chỉ là một trong số các nạn nhân. Do đó cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan và sớm thông qua một đạo luật để có cơ chế chính sách riêng cho việc xử lý nợ xấu.

Chứng khoán hóa nợ xấu

Nói về nợ xấu, TS. Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân cũng có một số đề xuất để giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo ông Đức, không có giải pháp chung cho các nút thắt khác nhau. Trước mắt, VAMC cần nhận diện được phương thức xử lý phù hợp, sau đó mới có thể kiến nghị để hoàn thiện hành lang pháp lý.

Trên cơ sở lý thuyết và kinh nghiêm của các quốc gia trên thế giới, ông Đức chỉ ra hai phương án chính để giải quyết vấn đề. Đó là xử lý trực tiếp với khách hàng (thu hồi tài sản, cơ cấu lại tài sản…) và thông qua thị trường mua bán nợ (chứng khoán hóa các khoản nợ xấu).

Thực tế thời gian qua chỉ ra rằng, nếu chỉ áp dụng phương thức xử lý nợ xấu với khách hàng thì sẽ rất khó xử lí triệt để bởi nó chủ yếu dựa trên khả năng và ý chí trả nợ của chủ nợ. Do đó, theo ông Đức, cần phối hợp giữa hai phương pháp để thu lại kết quả tốt nhất, đồng thời đặt ra vấn đề về việc hình thành một thị trường mua bán nợ.

Bước đầu tiên của việc chứng khoán hóa nợ xấu là cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP), dựa trên cơ sở số lượng nợ xấu hiện nay của VAMC. Sau đó, các doanh nghiệp cũng phải phát hành phiếu nợ chuyển đổi để đối ứng với lượng TPCP trên. Cuối cùng, các NHTM có thể nhận TPCP hay phiếu nợ chuyển đổi thay cho các khoản thanh toán nợ xấu từ các doanh nghiệp.

Theo ông Đức, chỉ có TPCP mới là phương án tối ưu bởi nó là công cụ hội tụ đủ sức hấp dẫn, tính thanh khoản và tính pháp lý. Áp dụng phương pháp này, các doanh nghiệp có nợ xấu cũng được phép giãn nợ, khoanh nợ hoặc chuyển đổi chủ nợ. Các NHTM có thể thu hồi được nợ xấu theo giá thị trường thông qua việc mua bán TPCP hoặc phiếu nợ chuyển đổi.

Tuy nhiên, để áp dụng phương án này, ông Đức nói còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế hoạt động trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc phát hành TPCP đặt ra vấn đề về nợ công trong khi trần nợ công hiện nay đang ở mức cao.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Đức