Loạt ngân hàng được cấp thêm room tín dụng đợt cuối năm, Techcombank, TPBank, MSB được nới lên hơn 22%
Trong báo cáo triển vọng ngành mới công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021.
Theo đó, TPBank là nhà băng được nới room tín dụng cao nhất lên 23,4%; ba ngân hàng khác được nơi lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.
Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
Trong thời gian qua, các chuyên gia cho hay nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn là hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay trở lại. Hiện nay, hai nhóm khách hàng này đóng góp ở mức trung bình 75 - 80% cơ cấu cho vay của toàn ngành.
Riêng trong quý III/2021, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài khiến gián đoạn sản xuất kinh doanh. Do đó, BSC kỳ vọng việc mở cửa trở lại toàn quốc từ đầu quý IV/2021 sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động.
Cùng với đó, nhóm phân tích nhận định việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được.
Trong năm 2022, BSC cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13% nhờ đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, cùng với gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Với kỳ vọng phục hồi nền kinh tế bắt đầu từ quý IV/2021, nhóm phân tích cho rằng sẽ có nhiều ngân hàng sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu về lợi nhuận trong năm nay; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức dưới 2%. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã trích lập phần lớn dự phòng trong quý II, III sẽ giúp giảm áp lực lên lợi nhuận trong quý cuối năm.
Bên cạnh đó, BSC dự báo biên lãi ròng (NIM) trong năm 2022 của các ngân hàng sẽ tăng 0,35 điểm% so với năm 2021 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao; lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021); tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giúp giảm chi phí vốn.