|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lo ngại nợ xấu tăng trở lại

07:57 | 06/08/2016
Chia sẻ
Báo cáo tài chính quý II/2016 vừa được một số ngân hàng công bố cho thấy nợ xấu tăng vọt trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối năm ngoái lên mức 2%, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm. Như vậy, tính đến cuối tháng 6 vừa qua, nợ xấu tại ngân hàng này là trên 13.000 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng có tỷ lệ nợ xấu tăng đột biến, từ mức 1,86% vào cuối năm ngoái nhảy lên mức 5,3% cuối quý II vừa qua. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tăng từ 2.261 tỷ đồng lên 3.113 tỷ đồng.

Một số ngân hàng thương mại lớn, tỷ lệ nợ xấu không tăng hoặc thậm chí giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì cũng tăng lên. Chẳng hạn Vietcombank nợ xấu đã giảm từ mức 1,8% cuối năm ngoái xuống 1,7% nhưng số tuyệt đối thì nợ xấu đã tăng từ 7.136 tỷ đồng lên 7.470 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 4.676 tỷ đồng. Tương tự, nợ xấu tại Vietinbank đã tăng từ 4.911 tỷ đồng lên 5.366 tỷ đồng, mặc dù tỷ lệ nợ xấu ở ngân hàng này vẫn duy trì ở mức 0,9%.

lo ngai no xau tang tro lai
Nợ xấu vẫn là mối lo ngại với ngân hàng.

Lý giải về nguyên nhân khiến nợ xấu tăng đột biến, ông Lê Văn Quyết, thành viên hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Eximbank cho hay tỉ lệ nợ xấu tăng là do một số khách hàng lớn và lâu năm của ngân hàng hiện đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Điều này dẫn đến việc khách hàng trả lãi theo kỳ hạn không đủ hoặc bị chậm. Hơn nữa, Eximbank đang đi theo hướng công khai, minh bạch hóa, nợ xấu đến đâu thông báo đến đó chứ không “treo nợ” như trước. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.

“Để xử lý nợ xấu, chúng tôi đang nghiêm túc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, xác định lại chất lượng nợ của các khoản vay, tiếp tục tái đầu tư vào các hạng mục nhằm hiện đại hóa ngân hàng…” - ông Quyết cho biết.

Lãnh đạo một ngân hàng khác thì giải thích nợ xấu tăng lên không phải bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh trong năm nay mà là hệ quả từ nhiều năm trước, tức nợ xấu tăng chủ yếu do những khoản nợ cũ được cơ cấu lại.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng một phần nợ xấu đến từ tín dụng tăng trưởng đáng kể từ cuối năm ngoái đến nay và khi tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu sẽ phát sinh. Bên cạnh đó, tại thời điểm này nợ xấu gia tăng có thể một phần xuất phát từ nợ bất động sản bởi thời gian qua tín dụng đổ vào lĩnh vực này tăng trưởng khá nhanh. “Nợ xấu của ngân hàng nào vượt trên mức 3% thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải kiểm soát chặt chẽ để kịp thời có giải pháp hợp lý” - ông Hiếu đề nghị.

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định việc xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện nay không đơn giản. “Trong khi đó, Quyết định 780/2012 của NHNN cho phép một số tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ của những khoản cho vay trước đây mà không phải chuyển nhóm. Nếu thực chất đó là khoản nợ tốt thì mới có điều kiện thu hồi, còn nếu đó là nợ không thực sự tốt mà lại được cơ cấu lại thì sẽ làm cho chất lượng nợ chỉ có xấu thêm” - bà Mùi nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia tán đồng với quan điểm trên và thống nhất cho rằng yêu cầu giải quyết ngay bài toán nợ xấu đang rất cấp bách. Bởi nếu xử lý chậm vấn đề nợ xấu thì cả ngân hàng và doanh nghiệp (DN) đều khó có thể khơi thông vốn, DN thêm khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thậm chí số lượng DN dừng hoạt động hoặc phá sản gia tăng do vẫn đang có nợ xấu tại ngân hàng.

TS Trần Du Lịch nói bài toán nợ xấu cần giải quyết một cách đồng bộ bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp mua bán nợ. Ông nhấn mạnh: “Nhưng có một yếu tố rất quan trọng đó là khả năng hỗ trợ các DN phục hồi để trả nợ thông qua chương trình kết nối DN do NHNN phối hợp với chính quyền TP.HCM thực hiện. Đây là một trong những giải pháp căn bản để DN vay nợ để trả nợ, nói cách khác là nuôi nợ để đòi nợ. Dĩ nhiên giải pháp này có mạo hiểm nhưng nếu không hỗ trợ thì nhiều DN sẽ chết và như vậy thì nợ xấu cũng không thể giải quyết được”.

Một số chuyên gia khác thì nói để xử lý nợ xấu có rất nhiều biện pháp nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân các ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng phải nâng cao quản trị rủi ro và trích đúng, đủ dự phòng theo quy định. Đặc biệt các ngân hàng có vấn đề về nợ xấu cần phải được tái cấu trúc và giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng.