Lo kinh tế suy thoái vì thiếu dầu, nguy cơ Dow Jones giảm hơn 170 điểm phiên đầu tuần
Cụ thể, Hợp đồng tương lai Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 168 điểm, tương ứng với dự báo chỉ số Dow Jones sẽ giảm 172 điểm khi thị trường mở cửa sáng thứ Hai (16/9 theo giờ Mỹ).
Hợp đồng tương lai Chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng đồng loạt đi xuống.
Dow Jones đã tăng liên tục trong 8 phiên giao dịch gần đây và hiện chỉ còn cách đỉnh lịch sử chưa đầy 1% nữa. Tuy vậy, nhiều khả năng chuỗi tăng này sẽ chấm dứt trong phiên giao dịch đầu tuần do lo ngại từ cuộc tấn công ở Saudi Arabia.
Sáng 14/9, mỏ dầu Khurais do tập đoàn nhà nước Saudi Aramco vận hành và cơ sở chế biến dầu mỏ Abqaiq ở gần đó đã bị máy bay không người lái (drones) tấn công. Đây là hai cơ sở đóng vai trò thiết yếu đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Theo ước tính của Saudi Aramco, sản lượng dầu của Saudi Arabia sẽ bị giảm 5,7 triệu thùng/ngày – tương đương 5% tổng sản lượng dầu toàn thế giới và trên 50% sản lượng dầu của nước này.
Vụ tấn công cũng làm sản lượng khí ethane và khí tự nhiên hóa lỏng của Saudi Arabia sụt giảm 50%, tương đương 600 triệu m3.
Lực lượng phiến quân hồi giáo Houthi có căn cứ tại Yemen và do Iran hậu thuẫn đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công trên. Houthi cho biết các vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ này được thực hiện bởi 10 máy bay không người lái, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục tấn công nhiều hơn, mạnh hơn nhằm vào Saudi Arabia.
Hợp đồng tương lai dầu thô WTI tăng 6,4 USD (11,7%) lên mức 61,26 USD/thùng. Tương tự, hợp đồng tương lai dầu thô Brent tăng 7,89 USD (13,3%) lên 68,07 USD/thùng.
Theo Bloomberg, trong vài giây đầu tiên khi thị trường mới mở cửa, giá tương lai của dầu Brent còn tăng tới gần 12 USD/thùng, mức tăng đột biến chưa từng thấy kể từ khi có số liệu so sánh năm 1988 đến nay.
Trước khi thị trường mở cửa, nhiều chuyên gia đã dự báo giá dầu có thể tăng 5-10 USD/thùng.
Tập đoàn Saudi Aramco đang nỗ lực khôi phục khoảng 1/3 năng lực sản xuất dầu của Saudi Arabia trong ngày thứ Hai (16/9). Trong khi chờ hoạt động sản xuất trở lại bình thường, Saudi Arabia tuyên bố sẽ dùng lượng dầu dự trữ của nước này để cung cấp cho các khách hàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Twitter cũng khẳng định nước Mỹ sẽ dùng đến Kho dự trữ Dầu Chiến lược để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Theo CNBC, giá dầu mỏ tăng cao liên tục sẽ dẫn tới giá các loại nhiên liệu cao, gây áp lực lên các ngành phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu xăng, dầu, khí tự nhiên .... cũng như hoạt động kinh tế toàn cầu.
Đây là tín hiệu đáng ngại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại khắp nơi trên thế giới đang chậm lại, khu vực sản xuất cũng tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, … đều đang thu hẹp do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nguồn: Infographics.vn/TTXVN
Ông Bob Ryan, Trưởng bộ phần hàng hóa và năng lượng tại BCA Research nhận định: "Đây là cú sốc nguồn cung lớn nhất trong lịch sử. Thế giới đang phụ thuộc vào các nguồn dầu dự trữ chiến lược ngay lúc này. Nếu gián đoạn nguồn cung không chỉ diễn ra trong vài ngày mà là vài tuần, thị trường dầu có thể thắt chặt đáng kể".