|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lò cao số 3 và toan tính của những ông chủ Formosa Hà Tĩnh

12:58 | 09/10/2019
Chia sẻ
Sau thời gian cân nhắc, lò cao số 3 của Formosa Hà Tĩnh được dự kiến sẽ xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả này phần nào phản ánh vai trò của khu liên hợp gang thép đặt tại Vũng Áng, trong từng chiến lược kinh doanh của những ông chủ đến từ Đông Á.
lo cao so 2 formosa

Chiều ngày 19/5/2018, lò cao số 2 của khu liên hợp gang thép đặt tại Vũng Áng, do Formosa Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, cho ra lò mẻ gang lỏng đầu tiên, khoảng một năm sau khi lò cao số 1 được vận hành. Nguồn: Formosa Hà Tĩnh

Trong năm 2018, sản lượng của Formosa Hà Tĩnh là 4,95 triệu tấn thép. Việc sản xuất và bán hàng của nhà máy diễn ra thông suốt, chất lượng sản phẩm được khách hàng công nhận, Formosa Plastics Group, tập đoàn mẹ của Formosa Hà Tĩnh cho biết.

Những người đứng đầu nhà máy đặt tại Vũng Áng đề ra mục tiêu trở thành tổ hợp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á. Họ từng dự kiến xây dựng lò cao mới trong năm 2020 hoặc năm sau đó, để nâng công suất lên 10 triệu tấn, và tương lai có thể chạm mốc 22,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, mọi kế hoạch bỗng trở nên bất định khi chiến tranh thương mại ập đến. "Kế hoạch mở rộng đang được xem xét cẩn thận vì những bất ổn xoay quanh thương chiến Mỹ - Trung", ông Chen Yuan-cheng Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh trả lời phỏng vấn của hãng tin Nikkei.

Dù vậy, đến cuối tháng 8 vừa qua, truyền thông trong nước dẫn nguồn báo cáo tại buổi làm việc với Ban Quản lí Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh của Formosa, cho biết nhà sản xuất thép này đã đề ra lộ trình sẽ xây dựng lò cao số 3 từ 2021 - 2025 nhằm nâng tổng công suất lên 10,4 triệu tấn thép/năm, và sẽ tiếp tục triển khai lò cao số 4 trong giai đoạn 2026 - 2035.

Đưa ra một quyết định như vậy giữa bối cảnh điều kiện thị trường thay đổi khôn lường là cực kì khó khăn. Trách nhiệm này đè nặng lên vai những người trong cuộc.

Tập đoàn Formosa kín tiếng

Formosa Plastics Group (FPG), đến từ Đài Loan, là cổ đông lớn sở hữu hơn 70% cổ phần tại Formosa Hà Tĩnh.

FPG là tập đoàn đa ngành tham gia các lĩnh vực từ công nghiệp nặng, thiết bị điện tử, vận tải cho đến công nghệ sinh học, giáo dục,…

Tại báo cáo thường niên phát hành đầu năm 2018, tập đoàn mẹ cho rằng nhà máy Formosa Hà Tĩnh sẽ gặt hái thành quả trong những năm tiếp theo nhờ được miễn thuế, cùng với đó, tốc độ tăng trưởng nhanh của những quốc gia đang phát triển Đông Nam Á đẩy nhu cầu về thép lên cao.

Fujian Fuxin, một tổ hợp thép nhận đầu tư từ FPG, mong đợi sẽ giảm thua lỗ khi tăng cường bán các sản phẩm thép không gỉ và gia tăng làm OEM thép cuộn cán nóng cho Formosa Hà Tĩnh. 

Tại một báo cáo công bố đầu 2019, FPG cho biết, Fujian Fuxin cũng đang triển khai một dự án cuộn cán nguội mới có công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến bắt đầu sản xuất kể từ quí II/2020.

Cũng tại báo cáo này, Formosa Hà Tĩnh chỉ được nhắc đến như một trong những mảng kinh doanh tại Việt Nam.

Là cổ đông sáng lập của Formosa Hà Tĩnh, nhưng FPG lâu nay không nói nhiều về chiến lược dành cho công xưởng gang thép này, ngoài những con số trong kế hoạch mở rộng.

Trong khi đó, hai ông chủ khác tại Formosa Hà Tĩnh là những hãng thép lớn, mỗi bên đặt tầm quan trọng của khu liên hợp gang thép này khá rõ ràng trong định hướng phát triển của họ.

China Steel mở rộng chuỗi cung ứng

Đầu tiên là China Steel Corporation (China Steel), cổ đông lớn từ Đài Loan. Hãng này chi 135 triệu USD để sở hữu 5% cổ phần của Formosa Hà Tĩnh kể từ tháng 6/2011. Đến tháng 1/2016, China Steel đã nâng sở hữu tại Formosa Hà Tĩnh lên mức 25%, sau khi rót vào thêm 939 triệu USD.

Tuy nhiên, vì không tham gia đợt tăng vốn của Formosa Hà Tĩnh vào tháng 7/2017 và tháng 4/2018, tỉ lệ sở hữu của China Steel giảm xuống mức 20,45%.

China Steel được thành lập bởi chính quyền Đài Loan vào năm 1971, trong một nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp tại đây.

Doanh thu của China Steel trong 8 tháng đầu năm 2019 vào khoảng 8,2 tỉ USD (chưa kiểm toán). Gần 70% doanh thu mà hãng có được đến từ thị trường Đài Loan, phần còn lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á.

Trong năm 2018, Việt Nam là thị trường lớn nhất của China Steel tại Đông Nam Á. Tại quốc gia hình chữ "S", China Steel cũng đang nắm 56% cổ phần tại China Steel & Nippon Việt Nam (CSVC), dự án thép cán nguội với vốn đầu tư 1,15 tỉ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Formosa Hà Tĩnh cũng sở hữu 5% tại CSVC.

7 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên nhận rót vốn của China Steel, doanh thu trong năm 2018 của Formosa Hà Tĩnh vào khoảng 2,6 tỉ USD. Trong đó, China Steel và các đơn vị cùng hệ thống đóng vai trò là những người mua hàng tích cực.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2018, nhóm China Steel đã mua khoảng 400 triệu USD hàng hóa từ Formosa Hà Tĩnh. Con số này đối với 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 170 triệu USD.

"Formosa Hà Tĩnh sẽ như một nguồn cung thép cuộn cán nóng và thép tấm", báo cáo công bố vào tháng 5/2019 của China Steel nêu rõ. 

Chiến lược kể trên bổ trợ cho định hướng phát triển các sản phẩm tiên tiến (dành cho công  nghiệp ô tô, thiết bị điện, đồ gia dụng,…) để mở rộng chuỗi giá trị ngành thép của cổ đông lớn Đài Loan.

CSC formosa ha tinh la nguon nguyen lieu

China Steel muốn bảo đảm nguồn cung nguyên liệu thô và thép bán thành phẩm thông qua những khoản đầu tư chiến lược và các hợp đồng dài hạn. Formosa Hà Tĩnh là một trong số đó. (Nguồn: China Steel, việt hóa: Thừa Vân)

Trong ngắn hạn, China Steel muốn cộng hưởng các nguồn lực cuộn cán nóng, thép tấm tại những công ty trong hệ thống là Chung Hung Steel, Dragon Steel, Formosa Hà Tĩnh… và giúp đỡ những nhà sản xuất này trong việc mở rộng việc kinh doanh tại Hồng Kông, Trung Quốc Đại lục và Đông Nam Á.

Ngoài ra, China Steel cũng hợp tác cùng Formosa Hà Tĩnh thành lập một liên doanh, trong đó mỗi bên sở hữu 50%. Đơn vị này sản xuất, kinh doanh nhựa than và dầu nhẹ.

Tính đến tháng 10/2017, liên doanh kể trên đã bán được 27 nghìn tấn nhựa than và 12 nghìn tấn dầu nhẹ cho bên mua là China Steel Chemical Corporation (CSCC), cũng là một thành viên của tập đoàn China Steel.

formosa dong gop cong suat China Steel

Lò cao số 1 của Formosa Hà Tĩnh tạo ra 3,5 triệu tấn thép, 52 nghìn tấn nhựa than và 17 nghìn tấn dầu nhẹ. Sản lượng của tất cả sẽ gấp đôi khi lò cao số 2 hoạt động. (Nguồn: China Steel, việt hóa: Thừa Vân)

China Steel thậm chí cho biết sẽ xây dựng nhà máy chưng cất nhựa than và nhà máy lọc dầu nhẹ, khi lò cao thứ 3 tại Vũng Áng được triển khai.

Từ những ngày đầu góp vốn, China Steel vốn xem Formosa Hà Tĩnh như là cơ hội để có thể tiếp cận nguồn thép bán thành phẩm với chi phí vận chuyển và rủi ro thị trường thấp hơn.

JFE - Hãng thép lớn thứ hai Nhật Bản cũng tranh phần 

Một cổ đông lớn khác của Formosa Hà Tĩnh là JFE Steel Corporation (JFE). Vào năm 2015, hãng thép lớn thứ hai Nhật Bản đã chi 225 triệu USD đổi lấy 5% cổ phần nhà máy sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Thương vụ kể trên được thực hiện không lâu sau khi JFE dừng việc nghiên cứu tính khả thi (kéo dài khoảng 2 năm rưỡi, từ tháng 3/2012 - tháng 9/2014) đối với tổ hợp thép Guang Lian, dự án tỉ USD liên quan đến E United Group, một tập đoàn Đài Loan. Đây là dự án dự kiến đặt tại Dung Quất, Quảng Ngãi với công suất 3,5 triệu tấn, chủ yếu là thép tấm.

JFE chớp lấy cơ hội tại Formosa Hà Tĩnh vì không muốn bỏ lỡ nhu cầu thép của những nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á và Ấn Độ.

Trước đó, trong năm 2010, JFE đã thực hiện mua cổ phần của 2 đơn vị sản xuất ống thép tại Việt Nam là Sun Steel (SUNSCO) và Jeong An Vina (sau đổi tên thành J-Spiral Steel Pipe Ltd.). Đến tháng 2/2017, JFE tiếp tục trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tôn Đông Á, một nhà sản xuất tôn mạ lớn nội địa.

Một điểm chung là tất cả những cơ sở kể trên đều cần nguồn nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng. Formosa Hà Tĩnh chính là "trái tim thép" cho những khoản đầu tư của JFE.

chien luoc JFE Formosa Ha Tinh

Nguồn: JFE, việt hóa: Thừa Vân.

Các vật liệu thép dùng cho hạ tầng tại Đông Nam Á vẫn còn là những sản phẩm mang tính chất hàng hóa. JFE cho biết sẽ tập trung hạ thấp chi phí, thông qua việc xây dựng cơ sở sản xuất thép thượng nguồn tại những thị trường có nhu cầu cao.

"Chúng tôi tin rằng rất khó kiếm được lợi nhuận tại đây khi phải vận chuyển những sản phẩm, có thể sản xuất bởi bất cứ ai, từ Nhật Bản. Vì vậy, chúng tôi đang cân nhắc chiến lược sử dụng nguồn thép từ Formosa Hà Tĩnh", những người điều hành JFE chia sẻ tại buổi gặp gỡ cổ đông cuối tháng 4/2018.

JFE cũng từng cho biết họ kì vọng mở rộng mạng lưới kinh doanh qua việc bán những sản phẩm được sản xuất tại khu liên hợp gang thép lớn nhất Việt Nam.

Tại báo cáo toàn tập đoàn JFE, ông lớn từ Nhật Bản xem Formosa Hà Tĩnh như một căn cứ, cùng với 5 địa điểm khác (tại Ấn Độ, UAE, Myanmar, Trung quốc, Mexico), cho các hoạt động làm ăn xuyên biên giới, trong giai đoạn 2018 - 2020.

Điều này đặt giữa bối cảnh JFE lo ngại về nhu cầu tiêu thụ thép tại Nhật Bản, gây nên bởi vấn đề sụt giảm dân số tại quốc gia này.

Hãng thép này kì vọng đưa việc kinh doanh quốc tế, đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển, trở thành động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Cuối tháng 7/2019, trong văn bản xin ý kiến dự thảo sửa đổi và bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết thông tin nhà máy sản xuất thép lớn nhất cả nước đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch lò cao số 3, do lo ngại thương chiến Mỹ - Trung sẽ khiến thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Theo đó, Bộ này đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với các mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08, từ 0% lên 5%.

Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) nhanh chóng phản hồi rằng vấn đề thị trường tiêu thụ không thể là nguyên nhân khiến Formosa Hà Tĩnh đắn đo việc mở rộng. VSA kiến nghị không tăng thuế suất MFN và chưa áp dụng bất kì biện pháp phòng vệ thương mại nào đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08.

Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu Việt Nam, tỏ ra đồng tình với VSA. Phía Hoa Sen cho rằng doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước đang gặp nhiều thuận lợi về thị trường. Việc tăng thuế suất là chưa thỏa đáng và "có thể là một cú 'knock out' đối với đại đa số doanh nghiệp tôn mạ".

Bộ Tài chính sau đó đã đề xuất chưa tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng.

Thừa Vân