|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Formosa Hà Tĩnh tiếp tục kế hoạch mở rộng sản xuất trong bối cảnh lo ngại thuế quan từ Mỹ

15:01 | 15/07/2019
Chia sẻ
Thuế quan áp lên thép Việt Nam có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan được cho là đang mang lại lợi ích cho kế hoạch mở rộng và mang sản phẩm thép có giá trị gia tăng của hãng vào thị trường chế tạo ô tô nước ngoài.
1

Formosa Hà Tĩnh Steel tải sản phẩm lên tàu. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Formosa Hà Tĩnh Steel (FHS) chần chừ với kế hoạch mở rộng vì sợ rơi vào chiếc bẫy mà Trung Quốc từng gặp phải

Câu hỏi FHS có thực sự muốn tiến hành kế hoạch xây dựng lò cao thứ ba hay không là nguyên nhân cản trở nỗ lực đầy tham vọng của Việt Nam trong việc trở thành một cường quốc thép toàn cầu, theo Nikkei Asia Review. 

FHS  bắt đầu vận hành nhà máy thép tích hợp đầu tiên tại Việt Nam cách đây hơn hai năm.

Ngoài muốn giúp chính phủ hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất thép không phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, công ty cũng muốn bắt đầu sản xuất các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao theo nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô. 

Việt Nam hiện là quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, FHS không muốn rơi vào cái bẫy tương tự mà ngành thép Trung Quốc từng mắc phải khi nhu cầu thép toàn cầu bắt đầu giảm nhiều năm trước.

Trước đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc không thể tự giảm sản lượng bởi việc ngừng vận hành lò cao sau khi đã đi vào hoạt động không hề dễ dàng và bắt đầu bán sản phẩm dư thừa ở các thị trường nước ngoài. 

Giá thép giảm mạnh và ngành thép toàn cầu gặp khó khăn lớn.

Mặc dù FHS kì vọng hoàn tất kế hoạch cho lò cao thứ ba vào cuối năm nay, công ty sẽ nghiên cứu cẩn thận vấn đề giá sản phẩm thép đang giảm, Chủ tịch FHS Chen Yuan-Cheng nói.

Hưởng lợi từ đe dọa thuế quan của Chính phủ Mỹ?

Washington cũng đã đặt ra thách thức mới đối với ngành thép Việt Nam. 

Hôm 2/7, Bộ thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế quan tối đa 456% đối với sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Thép chống ăn mòn và thép tấm cán nguội được sản xuất tại Việt Nam bằng cách xử lí thép cuộn nóng từ Hàn Quốc và Đài Loan sẽ không thể xuất khẩu sang Mỹ mà không bị áp thuế.

Tuy nhiên, FHS dường như có thể hưởng lợi từ động thái của Washington khi công ty là nhà sản xuất thép cuộn nóng và sở hữu các lò cao duy nhất tại Việt Nam.

Nhân viên tại một công ty giao dịch thép Việt Nam dự đoán, nhu cầu thép cuộn nóng từ Nhật Bản và FHS sẽ tăng trong tương lai để bù đắp cho khối lượng nguyên liệu Hàn Quốc và Đài Loan.

Đáp lại thuế quan từ Mỹ, chính phủ khuyến khích nhà sản xuất thép Việt Nam sử dụng nguyên liệu nền trong nước.

Mặc dù quyết định của Mỹ không liên quan trực tiếp đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dòng chảy của chủ nghĩa bảo hộ của Washington đang bắt đầu mang lại lợi ích cho FHS, theo Nikkei Asia Review. 

Tuy nhiên, FHS vẫn phải theo sát diễn biến của cuộc chiến thương mại. 

Phần còn lại của châu Á dường như đang đổ dồn sự chú ý đến FHS và Việt Nam, hiện được xem là quốc gia có thể gây ảnh hưởng đến giá thép trong khu vực.

Nhu cầu thép thành phẩm và sự ủng hộ từ Chính phủ Việt Nam

Động lực cho nhà máy thép tích hợp của FHS là nhu cầu về thành phẩm của Việt Nam. Nhu cầu đã tăng gấp đôi trong thập kỉ qua trong bối cảnh sự bùng nổ của ngành xây dựng vẫn tiếp diễn.

Hiện tại, các nhà thầu tại Việt Nam mua ngày càng nhiều sản phẩm thép tự chế và FHS đang giúp Việt Nam giảm dần lượng thép nhập khẩu từ các nước sở hữu lò cao khác, gồm Trung Quốc và Nhật Bản.

1

Nguồn: Nikkei Asian Review

Hai lò cao của FHS tại Hà Tĩnh chiết xuất được 4.350 mét khối thép, thấp hơn một chút so với lò cao của các nhà sản xuất lớn hoạt động tại Nhật Bản.

Nhà máy thép tích hợp của FHS sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm, sau đó xử lí thành tấm và các sản phẩm khác. Con số này tương đương sản lượng của Kobe Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ ba của Nhật Bản.

Tuy nhiên, sản lượng hàng năm của FHS đạt chưa đến 10% của tổng số nhà sản xuất thép Nhật Bản, hiện vượt 100 triệu tấn.

FHS đã sẵn sàng mở rộng nhà máy quanh vùng đất rộng lớn ở tỉnh Hà Tĩnh, theo nguồn tin nội bộ của công ty.

Về lâu dài, FHS có kế hoạch tăng gấp ba sản lượng thép thô hàng năm từ mức hiện tại lên 22,5 triệu tấn.

Chưa từng có một nhà máy riêng lẻ nào, kể cả của ArcelorMittal tại châu Âu hay bất kì hãng thép nào tại Nhật Bản hay Trung Quốc, sản xuất được hơn 20 triệu tấn thép. 

Đằng sau tham vọng này là nhu cầu và sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam.

Thép thường được tiêu thụ tại chính quốc gia sản xuất và ngành này cũng gặp khó khăn để phát triển mà không nhận được ủng hộ từ chính phủ.

Ngoài ra, lò cao luôn là rào cản lớn đối với các nước mới nổi muốn bắt đầu phát triển ngành công nghiệp thép. Nhiều quốc gia đang phát triển không thể chi trả hóa đơn xây dựng gần 10 tỉ USD cho một lò cao và công trình cảng liên quan.

Do bất lợi về mặt này, Việt Nam phải nhập khẩu thép bán thành phẩm từ các cường quốc châu Á sở hữu lò cao riêng khác. Sau đó, nhà máy tại Việt Nam sẽ xử lí thép bán thành phẩm thành thành phẩm hoàn chỉnh.

Điều này cản trở sự phát triển của Việt Nam, bởi thép bán thành phẩm có thể được giao dịch ổn định hơn, với chi phí thấp hơn nếu hoạt động sản xuất tích hợp cao trở nên khả thi.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã và đang thúc đẩy việc xây dựng nhà máy thép tích hợp trong mối quan hệ hợp tác với hãng thép nước ngoài. Với nhà máy thép FHS đang hoạt động, doanh nghiệp Việt Nam có thể mua sản phẩm thép bán thành phẩm ở quê nhà.

Tham vọng mang sản phẩm thép Việt Nam ra nước ngoài

Công suất thép cuốn nóng hàng năm của FHS đạt 4,5 triệu tấn. 

Việt Nam, nước xuất khẩu hơn 8 triệu tấn thép mỗi năm, giờ đây có thể giảm sự phụ thuộc vào thép cuốn nóng nhập khẩu.

Ngoài ra, FHS còn có kế hoạch cung cấp thép bán thành phẩm sang các nước Đông Nam Á khác.

Nhu cầu về các sản phẩm thép đang tăng lên ở Đông Nam Á, nhờ các hãng ô tô thiết lập cửa hàng trong khu vực và động lực cải thiện cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của chính phủ.

Vì độc quyền sản xuất vật liệu thép xây dựng, FHS không thể đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm thép có giá trị gia tăng trong ngành chế tạo ô tô, một lĩnh vực do các nhà máy thép Nhật Bản thống trị.

Để gia nhập vào thị trường này, FHS dự định hợp tác với cổ đông Nhật Bản - JFE Steel.

"Hợp tác với JFE là hoạt động không thể thiếu trong việc mở rộng dòng sản phẩm và chất lượng của chúng tôi", Chủ tịch FHS nói. "Chúng tôi sẽ nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm".

JFE bắt đầu tham gia quản lí FHS vào năm 2015 và sẽ tăng cường hợp tác công nghệ với hãng thép Việt Nam.

Mặc dù JFE đang vận chuyển thép bán thành phẩm từ Nhật Bản cho nhiều nhà máy chế biến của họ ở Đông Nam Á, công ty Nhật Bản có thể giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu của khách hàng kịp thời trước khi mua thép bán thành phẩm tại Việt Nam.

Yên Khê