Liệu ông Đinh La Thăng có được tại ngoại?
[Ảnh] Dấu ấn 10 ngày xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm | |
Đại án Đinh La Thăng: 'PVN đã sai từ đầu trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu' |
Mở đầu phần tự bào chữa và nói lới sau cùng vào ngày 17-1, ông Đinh La Thăng đã xin HĐXX được thay đổi biện pháp ngăn chặn cho mình và một số bị cáo.
Lý do mà ông Thăng đưa ra để xin được tại ngoại trong phần tự bào chữa là bản thân ông và các bị cáo khác chắn chắn không có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Trong khi nói lời sau cùng ông Thăng nói: “Bố bị cáo mới bị cấp cứu chiều hôm kia tại bệnh viện Bạch Mai, vì vậy bị cáo mong HĐXX, cơ quan tố tụng xem xét cho bị cáo được thay đổi biện pháp ngăn chặn, để bị cáo được chăm sóc bố. Bố bị cáo đã 87 tuổi, đang mắc bệnh hiểm nghèo. Xin cho bị cáo được ăn cái tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân, sau đó bị cáo sẽ chấp hành án phạt tù mà chưa biết bao giờ mới ra được”.
Vậy theo pháp luật yêu cầu của ông Thăng có thể được HĐXX chấp nhận hay không?
Ông Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTX |
Luật sư (LS) Kim Ron Tha (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng yêu cầu xin được tại ngoại của ông Thăng rất khó được chấp nhận. LS Tha nói: “Về lý thuyết, bị cáo có quyền làm đơn xin được tại ngoại hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để thay thế tạm giam như đặt tiền để bảo đảm (theo điều 122 BLTTHS 2015).
Tuy nhiên với vụ án này, khả năng HĐXX chấp nhận yêu cầu của ông Thăng là rất khó. Vì việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tùy thuộc vào nhận định của HĐXX. Vụ án này lại liên quan đến rất nhiều người, đặc biệt ông Thăng còn đang là bị can trong một vụ án lớn khác”.
Cũng theo LS Tha, nếu cho rằng hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là không có cơ sở. Vì thực tế hành vi đã xảy ra và VKS đã đề nghị mức án 14 - 15 năm tù là thuộc trường hợp tội phạm đặt biệt nghiêm trọng. Trong khi một trong các điều kiện tiên quyết để xem xét cho bị cáo có được tại ngoại hay không là phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Nếu chỉ vì lý do sức khỏe mà xin được tại ngoại thì thì ít nhất phải có ý kiến của bác sĩ điều trị kết luận rằng việc tiếp tục tạm giam sẽ có khả năng nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của bị cáo.
Đồng tình, luật sư Hoàng Văn Thất Sơn (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng trại tạm giam chịu trách nhiệm về sức khỏẻ của người bị tạm giam. Bằng chứng là bị cáo Khánh (trong cùng vụ án ông Thằng thừa nhận trước tòa là đã nhiều lần được đưa đi cấp cứu vì bệnh).
“Ông Thăng được xem là một mắc xích quan trọng trong vụ án, trường hợp xấu nhất xảy ra khi ông Thăng bỏ trốn là vụ án sẽ rơi vào bế tắc. Thân phận của hàng chục bị cáo liên quan khác sẽ khó mà giải quyết… Theo tôi, HĐXX khi xem xét yêu cầu này sẽ hết sức cân nhắc việc liệu rằng trong thời ngoại bị các bị cáo có bỏ trốn không và hệ lụy khi sẽ thế nào?” – LS Sơn nói.
LS Nguyễn Văn Đức (đoàn LS TP Cần Thơ) nói: “Quyết định cuối cùng thuộc về HĐXX, do đang giai đoạn nghị án. Nếu xét bị cáo không có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phạm tội mới trong thời gian Cơ quan tiến hành tố tụng cho phép (nếu đồng ý) thay đổi biện pháp ngăn chặn, về góc độ nhân đạo và pháp luật thì không sai. Tuy nhiên bị cáo sẽ ra tòa ở vụ án khác, cho nên tòa sẽ cân nhắc xem xét giải quyết, trường hợp không ảnh hưởng đến công tác xét xử phiên tòa tiếp theo”.
Nếu gặp tình trạng nguy cấp thì có thể áp dụng
Theo Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), trường hợp này tòa có thể cho phép tại ngoại vì lý do nhân đạo, nhưng phải ấn định thời gian. Tuy nhiên chỉ khi cơ quan tiến hành tố tụng xác định đó là vì tình trạng nguy cấp hoặc khi bị cáo không vượt qua được bệnh tật.
Trước đây có phiên toà ở tỉnh Trà Vinh khi đang xét xử được tin bố bị cáo qua đời, tòa đã tạm dừng phiên toà 48 tiếng để cho bị cáo về nhà để tang sau đó quay lại xử tiếp.