|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Liệu Mark Zuckerberg có theo chân Bill Gates, Jeff Bezos, Jack Dorsey,... rời công ty do chính mình sáng lập?

08:02 | 01/12/2021
Chia sẻ
Tại Thung lũng Silicon, tỷ phú Mark Zuckerberg là nhà sáng lập công ty công nghệ hiếm hoi vẫn giữ chức vụ CEO kể từ khi thành lập công ty, nhưng vị trí của ông hiện đang bị đặt nhiều dấu hỏi.

Vừa qua, ông Jack Dorsey đã quyết định rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành Twitter, một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc ông Dorsey là cái tên tiếp theo gia nhập danh sách dài các chuyên gia công nghệ đã rời bỏ công ty mà họ thành lập, theo tờ Hindustantimes của Ấn Độ.

Tuy nhiên, điều gì khiến các CEO này rời bỏ công ty của mình, và liệu việc rời đi này có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty? Từ Bill Gates của Microsoft đến Jeff Bezos của Amazon, hầu hết những người tạo ra những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon đã chuyển giao quyền lực cho người khác.

"Có rất nhiều lời bàn tán về tầm quan trọng của một công ty do người sáng lập lãnh đạo. Cuối cùng, tôi tin rằng điều đó đang gây ra những hạn chế nghiêm trọng", cựu CEO Twitter Jack Dorsey phát biểu chia sẻ trong lá đơn từ chức.

Các nhà sáng lập những gã khổng lồ công nghệ trước đây đã từ chức vì nhiều lý do, từ sức khỏe cho đến mong muốn theo đuổi các sở thích khác. Ví dụ, cố CEO Steve Jobs bị ung thư tuyến tụy khi ông từ chức giám đốc Apple vào năm 2011 và qua đời chỉ 6 tuần sau đó. Bill Gates đã từ chức CEO Microsoft vào năm 2000 để tập trung vào công việc từ thiện, trong khi Jeff Bezos tập trung vào công ty vũ trụ Blue Origin từ tháng 7.

Nhà phân tích công nghệ người Mỹ Rob Enderle cho biết: "Không có gì lạ khi một nhà sáng lập mất hứng thú với công ty của mình. Khi một công ty phát triển, nó sẽ thay đổi rất nhiều. Từ một người thực hiện các công việc chuyên môn, những nhà sáng lập phải chuyển qua công việc điều hành cũng như làm các thủ tục hành chính".

Sau Bill Gates, Jeff Bezos, Jack Dorsey,... liệu Mark Zuckerberg có phải nhà sáng lập công ty công nghệ tiếp theo từ chức? - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey đã từ chức. (Ảnh: Wired).

Riêng với Jack Dorsey, việc từ chức CEO Twitter dường như có liên quan đến sở thích tiền điện tử của ông. Ở phần mô tả tiểu sử trên Twitter, Jack Dorsey chỉ viết ngắn gọn "#Bitcoin". "Ông ấy không còn đam mê với Twitter nữa", Enderle nói.

Đồng thời, chuyên gia Enderle chỉ ra sự thay đổi dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thời điểm vị tỷ phú này sử dụng Twitter như một cái công cụ phát ngôn chính thức để gây ra tranh cãi. Đây có thể là nguồn cơn giận giữ của Jack Dorsey. "Tôi nghĩ rằng chính trị đã ảnh hưởng đến ông ấy rất nhiều. Sự quan tâm gần đây của Jack chủ yếu diễn ra trên thị trường tiền điện tử", Enderle nói.

Những ảnh hưởng lâu dài

Việc từ chức CEO không đồng nghĩa với việc các nhà sáng lập sẽ hoàn toàn rời khỏi các công ty, không còn bất kỳ mối quan hệ ràng buộc nào. Những người sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin vẫn có cổ phần kiểm soát trong gã khổng lồ này, và vẫn nằm trong hội đồng quản trị của công ty mẹ Alphabet.

Tỷ phú Jeff Bezos vẫn là chủ tịch điều hành của Amazon và cũng khẳng định rằng ông muốn tiếp tục tham gia vào các sáng kiến quan trọng của Amazon. Ngoài ra, ông cũng giữ lại khoảng 10% cổ phần của Amazon, trị giá khoảng 180 tỷ USD, tương đương phần lớn tài sản ròng đang sở hữu.

Các kỹ sư máy tính đã xây dựng một số trang web lớn nhất thế giới thường xuyên đề cập đến sự cần thiết trong việc chuyển giao vị trí cho các giám đốc điều hành kinh doanh dày dạn kinh nghiệm để điều hành các công ty trị giá hàng tỷ USD.

Sundar Pichai của Alphabet, Satya Nadella của Microsoft, Andy Jassy của Amazon và tân CEO Twitter, Parag Agrawal, tất cả đều nắm rõ các vấn đề nội bộ của công ty sau nhiều năm đứng trong hành ngũ lãnh đạo.

Dù vậy, việc thay thế những người sáng lập bằng những người quản lý không phải là không có rủi ro, dù họ có đủ năng lực hay không, chuyên gia Enderle lập luận. "Thường một nhà sáng lập muốn duy trì công ty ổn định. 

IBM có thể là một ví dụ về việc một thương hiệu công nghệ lớn đang suy yếu khi các nhà quản lý khác nhau nắm giữ vị trí. Những nhà điều hành mới ngày càng tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn. Đó là lý do tại sao có rất ít công ty tồn tại được 100 năm, bởi vì chu kỳ suy yếu bắt đầu diễn ra sau khi người sáng lập rời đi", ông Enderle cho biết.       

Liệu Mark Zuckerberg có phải cái tên tiếp theo rời đi?

Mark Zuckerberg là nhà sáng lập công ty công nghệ hàng đầu tại Thung lũng Silicon vẫn giữ ghế CEO. Tuy nhiên, vị trí của ông đang bị đặt nhiều dấu hỏi.

Sau một thời kỳ khó khăn của gã khổng lồ do Mark Zuckerberg sáng lập, gần đây công ty mẹ của Facebook đã đổi tên thành Meta, qua đó hướng đến những mục tiêu mới.

Sau Bill Gates, Jeff Bezos, Jack Dorsey,... liệu Mark Zuckerberg có phải nhà sáng lập công ty công nghệ tiếp theo từ chức? - Ảnh 2.

Sau những sự kiện gần đây, vị trí của Mark Zuckerberg tại Meta đang bị đặt dấu hỏi. (Ảnh: Business Insider).

Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook gần đây đã quay lại để tố cáo chính công ty cũ bằng những tập hồ sơ tài liệu thu thập được, lập luận rằng Meta không thể giải quyết các vấn đề cũ nếu Mark Zuckerberg còn tại vị. "Tôi nghĩ Facebook sẽ mạnh hơn với những người sẵn sàng tập trung vào sự an toàn", Frances Haugen nhấn mạnh.

Những người trong công ty cho rằng quyền lực bên trong Facebook vẫn tập trung trong tay Mark Zuckerberg. Kể từ khi thành lập công ty vào năm 2004, đế chế và vị trí của tỷ phú công nghệ này tại công ty chưa bao giờ bị lung lay.

"Mark Zuckerberg chưa bao giờ thực sự học cách trở thành một CEO. Những sai lầm mà ông ấy mắc phải là những sai lầm nghiêm trọng khiến Facebook gặp rủi ro lớn. Đây là những sai lầm mà tôi tin rằng một CEO có kinh nghiệm sẽ không mắc phải", Enderle chia sẻ.

Quốc Anh