Liệu đồng nhân dân tệ có thay thế đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ?
Theo các chuyên gia phân tích, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc có thể thách thức vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ trong vai trò là đồng tiền dự trữ vào một ngày nào đó. Tuy ngày đó còn rất xa, nhưng những diễn biến gần đây đáng lưu ý trong cơ cấu dự trữ tiền tệ toàn cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Marc Chandler, Giám đốc chiến lược tiền tệ toàn cầu tài Brown Brothers Harriman, cho rằng đồng USD đang mất giá làm nổ ra tranh luận về việc vị thế dự trữ của đồng tiền này bị suy yếu.
Đồng USD là đồng tiền dự trữ hàng đầu trên thế giới, nhưng không phải là duy nhất. Bên cạnh nó còn có đồng euro, đồng bảng Anh, yên Nhật và cả đồng NDT nữa.
Do đồng bạc xanh mất giá nhiều so với các đồng tiền mạnh khác trong năm 2017, nên ngày càng có nhiều ý kiến xung quanh việc đa dạng hóa các đồng tiền dự trữ mới trong năm nay.
Ví dụ, giới phân tích kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ tăng mua vào đồng euro trong năm 2018 sau khi đồng tiền chung ổn định trong năm ngoái. Nhưng gần đây đồng NDT cũng được nhắc đến nhiều, bao gồm cả việc định giá dầu theo đồng NDT, một lĩnh vực mà đồng USD xưa nay vẫn chiếm ưu thế.
Mới đây, Ngân hàng trung ương Pháp đã xác nhận rằng ngân hàng này nắm giữ đồng NDT trong kho dự trữ của mình. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Đức cho biết sẽ thêm đồng NDT vào rổ dự trữ của mình. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đang đa dạng hóa danh mục dự trữ ngoại hối của mình.
Tháng 10/2016, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức bổ sung đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ của tổ chức này, bên cạnh đồng USD, euro, yên Nhật và bảng Anh.
Theo số liệu được IMF công bố cuối tháng 12/2017, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý III/2017 giảm xuống còn 63,5% so với mức 63,% trong quý II. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ quý II/2014 và là quý giảm thứ ba liên tiếp của đồng bạc xanh. Trong khi đó, đồng euro chiếm 20%, tăng nhẹ so với mức 19,9% trong quý II, nhưng vẫn cách xa mức đỉnh 28% trong năm 2009.
Tỷ trọng của đồng NDT tăng lên mức 1,12% trong quý III so với 1,08% trong quý trước. IMF lần đầu tiên công bố tỷ trọng của đồng NDT vào quý IV/2016.
Nguồn: Ước tính của Bank of America Merrill Lynch, IMF. Ghi chú: Dự phóng lạc quan là NDT chiếm 4,5% thị phần dự trữ (tương đương bảng Anh và yên Nhật). Kém lạc quan: tỷ trọng của đồng NDT chỉ tăng với tốc độ tương đương từ năm 2013 |
Hai chuyên gia về ngoại hối và lãi suất của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch là Adarsh Sinha và Yang Chen nêu quan điểm rằng, về dài hạn, trong thập kỷ tới hoặc hơn nữa, tỷ trọng của đồng NDT trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu sẽ tăng lên mức tương đương tỷ trọng của đồng bảng Anh và yên Nhật, vốn chiếm khoảng 4,5% tính đến tháng 9/2017.
Do việc phân bổ các đồng tiền trong kho dự trữ toàn cầu thay đổi rất chậm, nên sẽ không có thay đổi đột biến nào trong thời gian tới. Tuy vậy, vai trò đồng tiền dự trữ hàng đầu của đồng USD có xu hướng giảm trong vòng 2 thập kỷ qua, hai chuyên gia trên cho biết.
Sự dịch chuyển về tỷ lệ dự trữ của các đồng tiền diễn ra khá chậm do đồng USD vẫn hấp dẫn các bên mua để dự trữ do quy mô và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, Sinha và Chen nói.