Liệu có nên 'ỷ lại' vào thiên nhiên?
Thiên nhiên không phải là tất cả
Không thể phủ nhận Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển du lịch với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đặc sắc, với nhiều di sản thiên nhiên của thế giới được UNESCO công nhận nhưng lại có vẻ tụt hậu với các nước như Thái Lan, Philippines hay Indonesia.
Một trong những lý do khiến du lịch Việt Nam thua kém các nước bởi việc khai thác thiên nhiên và định hướng phát triển chiến lược du lịch hiện nay vẫn chưa thực sự bài bản, kết nối đồng bộ cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng mà vẫn “ôm khư khư mỏ vàng” vì tâm lý e sợ.
Thực tế cho thấy trong hoạt động du lịch, cơ sở vật chất, hạ tầng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Sự phát triển của ngành du lịch gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật nhưng điều này ở nước ta hiện nay vẫn còn rất kém. Rất nhiều cơ sở bị xuống cấp nặng nề, nhiều điểm du lịch không đáp ứng đủ nhu cầu của khách nhưng “nhất quyết” không thay đổi.
Thậm chí có rất nhiều quan điểm tiêu cực và nhận định rằng cứ xây mới là tận thu thêm, là phá vỡ cảnh quan, huỷ hoại thiên nhiên. Trong khi những khu du lịch nổi tiếng đẹp nhất, còn giữ được gần nguyên vẹn bản sắc vùng miền cũng như cảnh quan thiên nhiên hiện nay đều là được quy hoạch xây dựng bài bản.
Còn nhìn rộng và xa hơn, rõ ràng như chúng ta đã thấy du lịch Sa Pa hút khách Việt và quốc tế nhiều hơn, thậm chí có thời điểm “cháy phòng” vào mùa du lịch. Có được kết quả đó là nhờ việc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng. Tương tự, phải kể đến việc đầu tư trùng tu, phục dựng khu du lịch sinh thái Tràng An đã đưa chùa Bái Đính trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh lớn nhất nước và khu vực Đông Nam Á. Mỗi năm có hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến đây.
Xuân Trường đề xuất đầu tư 15.000 tỷ xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn rộng 1.000 ha. (Ảnh minh họa) |
Đây là minh chứng cho thấy, ngành du lịch bền vững nhất là khi đặt lợi ích của môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương lên hàng đầu, có thể xây dựng nhưng phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái cũng như bản sắc văn hóa của khu vực đó là điều nên khuyến khích. Mặc dù cũng có những trường hợp nhiều cảnh quan đã bị phá nát nhưng trọng điểm là cách quản lý và định hướng không tốt mới dẫn đến những hành động không mong muốn như vậy.
Phán xét doanh nghiệp liệu có vội vàng?
Hầu hết các doanh nghiệp khi đưa ra đề xuất xây dựng một dự án lớn thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia, dư luận, nhất là khi dự án đó mang tính vĩ mô, có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, có tác động tới thiên nhiên. Thậm chí, nhiều đề xuất, nhiều quyết định về một dự án gặp phải phản đối vì doanh nghiệp thực hiện không có tên tuổi, không có nhiều kinh nghiệm, bị nghi ngờ lợi ích nhóm.
Trong đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía Tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, doanh nghiệp Xuân Trường bị phản đối trong đó có lý do rằng không phải dự án nào của doanh nghiệp này cũng thành công. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu không phải là Xuân Trường thì sẽ là doanh nghiệp nào?
Được biết, doanh nghiệp Xuân Trường đã và đang thực hiện nhiều dựa án lớn về du lịch tâm linh như quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)… với quy mô mỗi dự án khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm trong việc hình thành phát triển các khu du lịch mà không phải doanh nghiệp nào có thể “vượt mặt”.
Mặt khác, chu kỳ thực hiện dự án nói chung của doanh nghiệp xây dựng vốn dĩ đã diễn ra tương đối dài. Vậy thì những dự án xây dựng tại các khu vực gắn với di tích, lịch sử, cộng đồng có thể phải kéo dài hơn để tránh phạm sai lầm trong phá vỡ. Vậy thì chỉ nhìn vào một hai dự án chưa kịp hoàn thiện đã phán xét doanh nghiệp liệu có phải dư luận đang vội vàng?
Đặc biệt, như ông Xuân Trường đã nói trước báo chí đề xuất của doanh nghiệp chỉ là gợi ý với UBND TP. Hà Nội và đã có doanh nghiệp nào làm được di sản chưa mà bảo ông phá di tích? Như vậy để thấy rằng, doanh nghiệp tiên phong chỉ mới nói chưa kịp làm đã gặp phải chỉ trích. Vậy thì liệu còn doanh nghiệp nào dám tiếp tục tiên phong? Ngành du lịch nói chung, mảng di sản nói riêng bao giờ mới có thể thực hiện đúng mục tiêu “bảo tồn và phát triển”?
GS. TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Việc các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng những “cơ ngơi” để phục vụ kinh doanh, phục vụ kinh tế… trong đó có việc quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, khai thác giá trị văn hóa phục vụ cho đời sống sinh hoạt chung, tinh thần xã hội nói chung, tôi cho đây là điều bình thường. Tuy nhiên, khi quan tâm đến văn hóa thì phải tuân theo quy luật riêng của nó. Lĩnh vực văn hóa không như quy luật của kinh tế; nó không như xây dựng một cơ sở vật chất đã có. Cũng là cơ sở vật chất đã có thì nó lại gắn với đặc trưng của văn hóa, nếu đánh đồng nó với cơ sở vật chất xây dựng nói chung thì tôi cho rằng đó là nhầm”.
GS. TS Bùi Quang Thanh phân tích thêm, văn hóa là nơi mà con người qua quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội, thể hiện quan điểm nhân sinh của họ, giữa con người với con người, họ thể hiện quan điểm của họ đối với vũ trụ, thế giới quan.
Thông qua các hành vi thực hành tín ngưỡng để họ thể hiện niềm tin quan điểm của họ về thế giới khách quan, vũ trụ, trời đất, con người. đặc biết con người thể hiện với các bậc tiền nhân đã khuất. Giá trị văn hóa ấy nó phải chi phối được ngược lại những ý tưởng mà doanh nghiệp định khai thác để phục vụ đời sống tinh thần.
Do đó, doanh nghiệp cũng không thể khai thác một cách ba vạ được mà phải xác định được giá trị văn hóa, bảo tồn được giá trị đó, nếu khai thác mà làm tan rã là phản tác dụng. Nếu bất chấp bản sắc văn hóa, đặc trưng văn hóa để phục vụ cho lợi nhuận thì đấy là ứng xử thiếu văn hóa.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, những công trình đầu tư theo dạng như thế này thì Chính phủ và TP. Hà Nội phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng làm sao cho thật phù hợp. Bên cạnh đó, các khu du lịch liên quan đến lợi ích cộng đồng và đều là những di sản quốc gia vì vậy các thủ tục đầu tư cần đảm bảo đầy đủ quy định, công khai, minh bạch.