Lideco có gì khiến cổ phiếu tăng nóng?
Hà Nội: Sau nhiều năm khu đô thị Lideco vẫn hoang tàn | |
Lideco góp 93 tỷ đồng lập công ty thực hiện dự án tại Từ Liêm và Cầu Giấy |
Cổ đông lớn và ban lãnh đạo liên tục mua cổ phiếu
Có thời điểm, thị giá NTL tăng lên 15.800 đồng/cổ phiếu. Hiện NTL được giao dịch ở mốc 14.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 38% trong vòng 1 tháng qua.
Trong bối cảnh thị trường chung đang đi xuống và kết quả kinh doanh quý III/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm của Lideco đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, yếu tố nào đã đẩy giá cổ phiếu NTL tăng nhanh chóng như vậy?
Tìm hiểu thông tin về Lideco trong khoảng thời gian này, có thể thấy hầu như không có kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới nào được công bố, mà chỉ có các thông tin về giao dịch cổ phiếu liên quan đến cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý nhất trong số đó là cổ đông cá nhân Nguyễn Thị Mai. Nữ cổ đông này liên tục thực hiện các giao dịch liên quan đến cổ phiếu NTL, nhiều đến mức các thông tin công bố liên quan đến NTL trong nửa năm vừa qua có đến 80% là báo cáo giao dịch cổ phiếu của bà Mai.
Bà Nguyễn Thị Mai trở thành cổ đông lớn của NTL từ ngày 13/4/2018 và sau đó liên tục mua thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, tới ngày 13/8/2018, bà Mai bán gần hết cổ phiếu, chỉ còn lại hơn 1,82%. Giá cổ phiếu NTL trong giai đoạn này không có nhiều biến động, do vậy, nếu tính về việc đầu tư tài chính, khoản lợi nhuận mà bà Mai đạt được từ những giao dịch này không đáng kể.
Sau khi bán bớt đi, bà Mai lại liên tục mua vào cổ phiếu NTL. Đến ngày 11/10/2018, bà Mai lại một lần nữa trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,22% cổ phần NTL. Tỷ lệ sở hữu của bà Mai tại NTL liên tục được cập nhật theo mức độ tăng thêm. Tới ngày 23/11, bà Mai đã nắm giữ hơn 8 triệu cổ phiếu NTL, tương ứng 13,16% cổ phiếu đang lưu hành của Lideco.
Nếu tính theo thị giá hiện tại, khoản vốn mà bà Mai bỏ vào cổ phiếu NTL lên tới 117 tỷ đồng.
Sau khi trở thành cổ đông lớn của NTL, những công bố thông tin liên quan đến giao dịch của bà Mai được NTL công bố trên HOSE là các thông báo về giao dịch đã hoàn tất, trước đó việc đăng ký mua bán cũng không hề có thông báo.
Với mẫu Báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn, nhà đầu tư phổ thông trên thị trường chỉ nhận biết được thông tin về thời gian hoàn tất giao dịch, nhưng không có thông tin về việc bà Mai mua cổ phiếu trong thời gian nào và với phương thức giao dịch nào.
Ngoài ra, NTL cũng không ít lần phải thực hiện đính chính khi doanh nghiệp này đưa ra thông tin không chính xác về thời gian giao dịch hay số lượng cổ phiếu mua bán tại báo cáo kết quả giao dịch của cổ đông lớn/cổ đông nội bộ.
Giao dịch mua bán của cổ đông nội bộ hay cổ đông lớn luôn là thông tin "nhạy cảm" được cổ đông trông ngóng, động thái của nhóm này ảnh hưởng khá lớn tới giá cổ phiếu trên sàn.
Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018, nhiều lãnh đạo của Lideco cũng đăng ký mua thêm cổ phiếu như thành viên Hội đồng quản trị độc lập, Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc. Trong đó, ông Lê Minh Tuân, Phó tổng giám đốc Lideco cũng có khả năng trở thành cổ đông lớn của Công ty khi đặt mua thêm 3,18 triệu cổ phiếu NTL để nâng tỷ lệ sở hữu lên 5%.
So với hồi đầu năm, cơ cấu cổ đông của Lideco đã có nhiều sự thay đổi khi xuất hiện thêm các cổ đông lớn là cá nhân. Ông Đinh Quang Chiến, thành viên Hội đồng quản trị Lideco cũng đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 2,21% lên 10% sau một giao dịch thỏa thuận mua thêm 4,7 triệu cổ phiếu trong giai đoạn từ 18/7 tới 13/8/2018.
Thống kê giao dịch của NTL cho thấy, ông Đinh Quang Chiến đã thực hiện giao dịch thỏa thuận này trong phiên ngày 13/8 với tổng giá trị 43,32 tỷ đồng, tương ứng mức giá 9.120 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 6% so với thị giá cùng phiên hôm đó.
Đáng nói, cũng trong phiên 13/8, bà Nguyễn Thị Mai đã bán ra hơn 4,4 triệu cổ phiếu NTL trong khi ở giai đoạn này, mỗi phiên giao dịch trung bình của NTL chỉ khớp lệnh khoảng vài chục đến vài trăm nghìn cổ phiếu. Điều này cho thấy khả năng cao là số cổ phiếu từ bà Mai đã được “sang tay” cho ông Đinh Quang Chiến.
Hiện hai cổ đông lớn nhất của NTL chính là bà Nguyễn Thị Mai và ông Đinh Quang Chiến. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lideco và ông Vũ Gia Cường, Tổng giám đốc Lideco đang lần lượt sở hữu 5,9% và 6%.
Những diễn biến đột ngột về giá cổ phiếu cũng như sự "xuống tiền" liên tục của cổ đông lớn cùng các cổ đông nội bộ khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn về một cuộc đua gia tăng tỷ lệ sở hữu tại NTL. Bởi theo lẽ thường, khi giá cổ phiếu đang lên lẽ ra là lúc các nhà đầu tư tranh thủ chốt lời, nhất là nhà đầu tư lâu năm tại NTL khi cổ phiếu không có nhiều biến động trong các năm qua.
Phập phồng kết quả kinh doanh
Theo báo cáo tài chính của Lideco, trong 9 tháng đầu năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm.
So sánh đà tăng của cố phiếu NTL với chỉ số Vn-Index
Doanh thu thuần đạt được trong 9 tháng là 306,3 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, giá vốn hàng bán lại tăng cao hơn cùng kỳ khiến lợi nhuận gộp giảm 35%. Mặc dù các loại chi phí đều tiết giảm, song lợi nhuận sau thuế thu về cũng chỉ còn 39 tỷ đồng, giảm 36%.
So với kế hoạch kinh doanh 2018 với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 690 tỷ đồng và 125 tỷ đồng, Lideco mới đạt được 44% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận.
Riêng trong quý III vừa qua, Công ty chỉ ghi nhận doanh thu từ việc bán hạ tầng của 2 căn biệt thự và thu đủ tiền từ việc bàn giao một số căn chung cư Dự án Chung cư lô 4.5 Quảng Ninh. Cùng với đó, tại các công ty con, kết quả kinh doanh cũng không cao khi đang đầu tư xây lắp các hạng mục trong giai đoạn thi công, chưa được nghiệm thu để ghi nhận doanh thu.
Diễn biến mới nhất, Lideco vừa quyết định bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại công ty con là Lideco 8. Lideco có hai công ty con là Lideco 2 và Lideco 8, sau khi thoái vốn, Lideco 8 sẽ không còn là công ty liên quan tới Lideco.
Dự kiến, Lideco sẽ bán 51% Lideco 8 để thu về 2,55 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2017, Lideco đã quyết nghị sẽ thoái toàn bộ vốn tại Lideco 2 với giá trị vốn góp 5,9 tỷ đồng, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn tất.
Hàng tồn kho của Lideco tại thời điểm cuối tháng 9 lên tới 1.341 tỷ đồng, tăng 13% so với hồi đầu năm và chiếm 77% tổng tài sản doanh nghiệp, một tỷ lệ khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tiền của doanh nghiệp đang “chôn” tại một số dự án như Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32, Khu đô thị mới Dịch Vọng, dự án Viên Sơn – Sơn Tây và hai dự án tại Quảng Ninh.
Mặc dù có giá trị không đáng kể, song Lideco đang thua lỗ trong việc kinh doanh chứng khoán. Doanh nghiệp đã mua 5.000 cổ phiếu của CTCP Sông Đà 5 và 3.430 cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai. So với giá vốn bỏ ra, hiện Lideco đang phải trích lập dự phòng cho khoản lỗ khi đầu tư vào 2 mã chứng khoán này.
Trước đó, Lideco cũng tiến hành bán bớt để cắt lỗ khỏi hai khoản đầu tư này. Ngoài ra, Công ty cũng lỗ trong việc đầu tư góp vốn vào CTCP Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC.
Việc sóng cổ phiếu NTL thời gian gần đây cũng mang lại kỳ vọng cho thị trường về sự hồi sinh của NTL không chỉ về mặt thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mà còn ở các dự án bất động sản.
Hai dự án tại tỉnh Quảng Ninh của NTL đều có quy mô lớn trên 1.000 tỷ đồng được đánh giá tiềm năng khi bất động sản tại khu vực này thu hút khá nhiều nhà đầu tư lớn, cũng như lượng cung và giá bất động sản tăng theo với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng như cao tốc, sân bay...
Với tình hình không có nhiều tiến triển trong một thời gian dài, bản thân NTL cần thêm các yếu tố mới để tạo nên đột phá trong hoạt động kinh doanh, mà quan trọng nhất là lực đẩy từ chính nội lực của doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư luôn mong chờ.