|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lí do giới công nghệ Mỹ chuộng nhân tài gốc Ấn hơn chuyên gia gốc Hoa (Phần 1)

01:35 | 10/11/2019
Chia sẻ
Giới chuyên gia công nghệ Trung Quốc luôn muốn biết lí do khiến họ tụt hậu so với Ấn Độ, mặc dù số lượng tiến sĩ công nghệ và khoa học Trung Quốc ở Mỹ cao gấp 3 lần đồng nghiệp Ấn Độ.

Trong khi "dân" công nghệ Ấn Độ đang bùng nổ về số lượng ở Mỹ, những đồng nghiệp Trung Quốc của họ lại vật lộn để nhận sự chấp nhận tương tự. Sự mất niềm tin ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington, được thúc đẩy bởi chiến tranh thương mại, khiến sự hoài nghi đối với người Trung Quốc trong ngành công nghệ tăng. 

Hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ để gặp ban lãnh đạo các tập đoàn  Amazon, Apple, Boeing và Microsoft. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích họ thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc, hợp tác về công nghệ thông tin và các lĩnh vực phục vụ chiến lược "Made in China 2025" - để nâng tầm công nghiệp Trung Quốc.

ki su TQ

Sự kiểm duyệt của Bắc Kinh đối với dữ liệu, sự tiếp cận thị trường và chính sách kiểm duyệt nội dung cũng khiến tư tưởng "bài Trung Quốc" lớn dần ở Thung lũng Silicon. Ảnh: New York Post

Cũng trong tuần ấy, Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ tới Thung lũng Silicon ở bang California để gặp ban lãnh đạo các tập đoàn Facebook, Google, Apple, Tesla và Uber. Ông đã phát biểu trong một sân vận động về chính sách cởi mở của Ấn Độ đối với các doanh nghiệp Mỹ trước 18.000 người.

Mặc dù người Trung Quốc và người Ấn Độ đều chiếm tỉ lệ cao trong giới lao động công nghệ ở Thung lũng Silicon, song Anja Manuel, một người tham dự cả hai tiệc chiêu đãi ông Tập và ông Modi, đánh giá sự đón tiếp của giới doanh nghiệp Mỹ dành cho ông Modi tỏ ra thân mật hơn, còn cuộc đối thoại với ông Tập tỏ ra quá trang trọng. Anja Manuel là người đồng sáng lập tổ chức tư vấn RiceHadleyGates và từng là quan chức ngoại giao Mỹ.

"Ấn Độ có mối quan hệ gần gũi với Thung lũng Silicon hơn so với Trung Quốc, và giới doanh nghiệp Mỹ cảm thấy thoải mái với Ấn Độ hơn. Họ bắt đầu lo ngại về Trung Quốc vì cho rằng đó không phải là môi trường cạnh tranh sòng phẳng", Anja Manuel bình luận.

Trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với sự thờ ơ từ trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới, họ đã tìm hiểu lí do khiến họ tụt hậu so với Ấn Độ, mặc dù Trung Quốc có số lượng tiến sĩ công nghệ và khoa học gấp 3 lần Ấn Độ ở Mỹ.

"Cộng đồng người Trung Quốc ở Mỹ luôn trăn trở với câu hỏi: Vì sao người Ấn Độ tạo ấn tượng tốt với giới doanh nghiệp Mỹ, còn họ không thể. Đó là một đề tài rất nóng hổi trong các cuộc thảo luận", một nhà đầu tư Mỹ có quan hệ thân cận với Trung Quốc bình luận.

Một số yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đặc biệt trong mảng công nghệ, đã giảm mạnh bởi chiến tranh thương mại và chủ trương hạn chế đầu tư nước ngoài của chính quyền tổng thống Donald Trump. 

Sinh viên, giáo sư và nhà nghiên cứu gốc Hoa đối mặt với sự nghi ngờ tăng dần của người Mỹ, bởi Washington lo ngại họ sẽ trở thành gián điệp cho Trung Quốc. Ngay cả những doanh nghiệp công nghệ nhận chút vốn từ người Trung Quốc cũng đối mặt với áp lực cắt đứt mối quan hệ với họ.

Phong cách đậm chất dân tộc và tham vọng công nghệ quá lớn của ông Tập khiến giới doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon lo ngại. Họ sợ khẩu hiệu "hai bên cùng có lợi" sẽ chỉ là cuộc cạnh tranh một chiều, với những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc chiếm ưu thế nhờ sự hỗ trợ của chính phủ. Sự kiểm duyệt của Bắc Kinh đối với dữ liệu, sự tiếp cận thị trường và chính sách kiểm duyệt nội dung cũng khiến tư tưởng "bài Trung Quốc" lớn dần ở Thung lũng Silicon.

James Mulvenon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Tình báo thuộc Tập đoàn Quốc phòng quốc gia Mỹ, kể rằng, trong chuyến công du của Chủ tịch Tập, Bắc Kinh đã ép các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham dự một hội thảo với ông Tập nếu không muốn Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao hơn.

Giới doanh nghiệp Mỹ cũng thường nghĩ kĩ sư công nghệ Trung Quốc thường vi phạm các điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng lao động và "tuồn" công nghệ của Mỹ cho các doanh nghiệp có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. 

Sự vỡ mộng với Trung Quốc khiến ngay cả những chủ doanh nghiệp có tư tưởng chính trị thiên tả ủng hộ thái độ cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc, ngay cả khi chính sách của Washington phản tác dụng.

"Trung Quốc đã chủ trương cạnh tranh với mọi quốc gia trên thế giới. Thung lũng Silicon ngày càng có ác cảm với hành vi đánh cắp công nghệ, và họ cũng ngày càng tin thị trường Trung Quốc không hấp dẫn", Gordon Feller, người sáng lập tổ chức dân sự Meeting of the Minds, phát biểu.

Vì thế, theo Gordon, khi chính quyền của ông Trump quyết định phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, họ nhận được sự ủng hộ từ giới doanh nghiệp.


Nhạc Phong