Từ Thung lũng Silicon: Việt Nam thiếu doanh nghiệp 'đàn anh'
LTS: Bài thứ ba trong loạt bài viết "Đối thoại kiều bào trí thức" sẽ nói về những tâm tư, chia sẻ, hiến kế của thạc sỹ - doanh nhân trẻ lập nghiệp tại Mỹ, bà Văn Đinh Hồng Vũ. Cùng Pháp luật TP.HCM lắng nghe những chia sẻ cùng nhiều lời khuyên đáng quý dành cho giới trẻ Việt có đam mê kinh doanh khởi nghiệp qua bài phỏng vấn với CEO của Elsa English.
Từ thạc sĩ Đại học Stanford đến người sáng lập ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh chuẩn thông qua công nghệ nhận dạng giọng nói được Forbes ca ngợi, Văn Đinh Hồng Vũ là một doanh nhân trẻ sáng giá của giới khởi nghiệp (startup).
+ Phóng viên: Dù khởi nghiệp tại Mỹ, nhưng bà gắn bó không ít với môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Bà đánh giá như thế nào về cơ hội, tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay?
. Bà Văn Đinh Hồng Vũ: Theo tôi, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đặc thù ở chỗ phát triển rất nhanh trong những năm gần đây với một lượng lớn các nhà sáng lập có những ý tưởng mới mẻ. Chúng ta cũng có không ít các nhà đầu tư sẵn sàng ươm mầm và hỗ trợ cho các ý tưởng đó.
Có thể nói giới khởi nghiệp Việt Nam đã thay đổi chóng mặt những năm vừa qua, dần hình thành mạng lưới các nhà đầu tư cũng như cố vấn khởi nghiệp. Điều độc đáo của văn hóa kinh doanh Việt Nam so với các nền kinh tế khác là tinh thần khởi nghiệp được truyền lại từ những thế hệ trước. Đây là tinh thần dám thử cái mới, dám thất bại, rất cần thiết với hoạt động khởi nghiệp hiện nay.
+ Môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam có đủ độc đáo để so sánh với Tokyo hay thậm chí là San Francisco không?
. So sánh với Tokyo chẳng hạn, người Nhật có xu hướng chọn những công việc ổn định, danh giá, rồi tiếp tục trong vòng 10, thậm chí 20 năm. Kể cả thế hệ trẻ cũng có lối nghĩ đó, dù quan điểm này đang dần thay đổi. Vì thế làn sóng khởi nghiệp tại Tokyo không lan rộng và lan nhanh như Việt Nam.
Thứ hai, ở Việt Nam có rất nhiều tài năng trẻ sẵn sàng tham gia làn sóng ấy. Nhờ đó việc tuyển dụng nhân sự dễ dàng hơn nhiều. Trong khi đó ở Nhật, rất khó để thuyết phục những người trẻ này cùng khởi nghiệp khi công ty của bạn chỉ mới thành lập ít lâu, lợi ích chưa thấy được còn thương hiệu chưa có uy tín. Thế hệ trẻ vừa tốt nghiệp ở Nhật còn mang tư duy khá bảo thủ. Đó là điểm khác biệt giữa môi trường khởi nghiệp ở Nhật và Việt Nam.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam và Nhật với Thung lũng Silicon hay khu Bay Area ở San Francisco (Mỹ) là vai trò của những công ty lớn đi trước. Tuy giới khởi nghiệp Việt rất trẻ, làn sóng khởi nghiệp lan rất nhanh trong những năm gần đây, hệ sinh thái của chúng ta và Nhật đều thiếu đi những công ty “đàn anh”. Đó là những công ty từng khởi nghiệp thành công, sau đó vươn tầm thế giới.
Ở Mỹ, dù giới khởi nghiệp không nhiều như Việt Nam nhưng họ đã khởi nghiệp trước chúng ta một thời gian. Một trong số họ đã phát triển thành công ty lớn, một số đã phát hành IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng), một số đã kêu gọi vốn được từ nước ngoài. Vì vậy, họ nhận đầu tư rất nhiều từ Thung lũng Silicon.
Ở Việt Nam, gần đây tôi mới thấy những khoản vốn lớn đếm trên đầu ngón tay như Vinacapital. Chúng ta chưa có doanh nghiệp gọi vốn đến vòng B hay C (vốn xây dựng và vốn quy mô) để đảm bảo hỗ trợ mình suốt hành trình khởi nghiệp. Chúng ta chỉ mới gọi vốn thành công cho những bước đầu. Vì vậy giới khởi nghiệp Việt phát triển nhanh nhưng còn non trẻ. Chúng ta cần nhiều ví dụ thành công tầm thế giới hơn để ghi danh trên bản đồ toàn cầu.
+ Xin bà có thể nói rõ hơn về nét độc đáo của khu Bay Area?
Khu Bay Area có cả hai lợi thế, vừa phát triển lâu năm vừa có nhiều người khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp cao và không ngại khó khăn. Điều làm cho nơi này khác biệt là những công ty đã vươn tầm toàn cầu như Uber, Airbnb,... Nhìn chung, Bay Area là một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn đã phát triển trong nhiều năm. Có những công ty hàng đầu bước ra từ khu vực này, vì vậy cơ hội tiếp cận vốn đầu tư là rất lớn.
Là một người khởi nghiệp, tôi nghĩ điều mà những nơi khác cần thời gian để học theo Bay Area là mạng lưới các nhà cố vấn giỏi và nhiều kinh nghiệm. Ở Bay Area có rất nhiều thế hệ founder trước đó đã thành công, đã đi IPO hoặc đã thất bại nhiều lần. Không có cách nào tốt hơn là học hỏi kinh nghiệm quý giá từ những người đi trước, những thất bại họ từng trải để không lặp lại những lỗi sai đó. Không phải là Việt Nam không có những công ty “đàn anh.” Chúng ta cần thêm thời gian để có thêm những trải nghiệm, những thế hệ đi trước thành công như ở Thung lũng Silicon.
+ Hiện nay, không ít doanh nghiệp VN khởi nghiệp, đạt được một số thành quả, sau đó nhanh chóng bán lại cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bà suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
. Theo tôi, có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng một công ty khởi nghiệp: xây dựng để bán lại doanh nghiệp hoặc tiếp tục phát triển để trường tồn. Khi khởi nghiệp, bạn buộc phải vạch sẵn cho mình các lối thoát.
Một số chiến lược thường thấy là: (i) Bán công ty lại cho doanh nghiệp khác; (ii) M&A (mua lại và sáp nhập); hay (iii) Tiến hành IPO. Vì vậy, lựa chọn bán lại cho doanh nghiệp lớn hơn là một lối thoát phổ biến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo tôi, việc các startup Việt Nam bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài hơn trong nước là điều dễ hiểu.
Có nhiều tập đoàn nước ngoài muốn mua lại các công ty nhỏ nhằm làm đòn bẩy hợp lực hoặc để thu hút các đối tác tiềm năng. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam lại ít khi tham gia giao dịch M&A. Vì thế, các công ty khởi nghiệp dễ có cơ hội được doanh nghiệp nước ngoài mua lại hơn.
+ Ở góc độ là một Việt kiều khi về nước phát triển công việc, bà có những thuận lợi nào?
. Về thuận lợi, tôi có cơ hội áp dụng những kinh nghiệm học được từ Thung lũng Silicon vào công việc kinh doanh tại nước mình. Với nền tảng có được tại Thung lũng Silicon - nơi hội tụ các công ty khởi nghiệp - tôi được tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến nhất, những bước đi mới của giới khởi nghiệp cũng như kinh nghiệm từ họ.
Những kinh nghiệm thực tiễn đó là đòn bẩy giúp tôi tư duy cách xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu từ những ngày đầu mở rộng kinh doanh và xây dựng đội ngũ làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, khi làm việc tại Thung lũng Silicon, bạn còn có một lợi thế nhất định là danh tiếng và sự tôn trọng từ đối tác Việt Nam. Điều này giúp tôi xây dựng uy tín đối với đội ngũ địa phương và đối tác kinh doanh một cách nhanh chóng. Cuối cùng, với tư cách một nhà tuyển dụng có trụ sở tại Thung lũng Silicon, công ty tôi có sức hấp dẫn nhất định với các ứng viên từ Việt Nam.
Xét từ cấp độ cao, khi khởi nghiệp tại Mỹ, một số lợi thế chính bạn sẽ có được là: Tiếp cận vốn dễ dàng hơn (các mạnh thường quân, các doanh nghiệp hàng đầu Thung lũng Silicon,...; Học được kinh nghiệm từ thành công và thất bại của nhiều công ty đi trước; Có cơ hội làm quen với các cố vấn và chuyên gia dày dạn kinh nghiệm với những lời khuyên giá trị. Tại Việt Nam, hầu hết các công ty khởi nghiệp là thế hệ khởi nghiệp đầu tiên. Vì vậy nên hệ sinh thái khởi nghiệp ở đây không đa dạng như Thung lũng Silicon.
+ Còn khó khăn thì sao thưa bà?
.Cũng chính vì là một Việt kiều về nước khởi nghiệp, tôi gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự vì không có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng công nghệ ở nước nhà như các công ty địa phương. Ngoài ra, văn hóa làm việc và giao tiếp ở Việt Nam cũng có nhiều điểm khác với Mỹ. Khi về nước sau 10 năm làm việc tại Mỹ, tôi phải làm quen với những điểm khác biệt này.
+ Nhiều bạn trẻ hiện nay đã nghĩ đến việc khởi nghiệp tại Mỹ, bà đáng giá như thế nào về cơ hội này?
. Việc này còn phụ thuộc vào chuyện bạn có tự tin doanh nghiệp của mình sẽ khởi nghiệp thành công tại môi trường mới như Mỹ hay không. Khi khởi nghiệp, điều đầu tiên bạn cần là một mạng lưới cộng đồng những người sẵn sàng giúp đỡ bạn, bởi khởi nghiệp vô cùng nhiều chông gai và khó có thể thành công với tư cách cá nhân. Bạn sẽ cần sự hỗ trợ từ rất nhiều người. Nếu quyết định chuyển sang Mỹ, bạn cần có một mạng lưới cố vấn và chuyên gia, cũng như bạn bè sẵn sàng hỗ trợ. Điều này vô cùng quan trọng.
Thứ hai, bạn cần có kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh trôi chảy như những người đã khởi nghiệp tại Mỹ. Kỹ năng giao tiếp là tối quan trọng vì bạn cần phải lưu loát để bán doanh nghiệp của mình, để chào hàng cũng như tuyển dụng nhân sự. Thứ ba, bạn cần có mối quan hệ để những nhà đầu tư sớm biết đến mình và đủ tin tưởng mình. Nếu đây là lần đầu bạn tới Mỹ, việc xây dựng lòng tin bước đầu là một thử thách khá cam go.
Nói tóm lại, tôi khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp tại Mỹ nếu các bạn có đủ tự tin rằng bạn có thể xây dựng mạng lưới và nắm bắt cơ hội ngang bằng tại Việt Nam. Mặt khác, các bạn có cơ hội thành công cao hơn ở những môi trường các bạn đã xây dựng được uy tín và một mạng lưới các mối quan hệ cần thiết.
+ Bà đánh giá như thế nào về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) trong khởi nghiệp hiện nay ở tất cả các lĩnh vực?
. Tôi nghĩ AI hiện nay đã trở thành nền tảng của hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ. AI không còn là một từ thông dụng mà đã là công cụ quan trọng để xây dựng giải pháp thông minh thích ứng với yêu cầu cũng như nhu cầu người dùng. Một số công ty dùng AI làm công nghệ chính, một số chỉ dùng AI để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ và giải pháp tốt hơn cho khách hàng. Nếu muốn khởi nghiệp công nghệ, bạn sẽ không thể tồn tại lâu dài nếu không đánh giá cao tầm quan trọng của AI và big data trong quá trình xây dựng giải pháp.
+ Việc ứng dụng AI hay big data vào kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp cần có những điều kiện gì?
. Doanh nghiệp buộc phải có chuyên môn kỹ thuật. Những người thành thạo AI rất hiếm có và yêu cầu trả lương cao. So với các lĩnh vực khác, lĩnh vực AI chưa có nhiều tài năng nổi bật. Vì vậy, bạn cần tập trung tuyển dụng các tài năng AI hàng đầu nhằm tích hợp AI vào sản phẩm và giải pháp công nghệ.