|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Động cơ khiến Alibaba muốn niêm yết cổ phiếu ở Hong Kong dù không cần tiền

11:38 | 12/11/2019
Chia sẻ
Niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Hong Kong chẳng những giúp Alibaba tránh rủi ro nếu Mỹ buộc họ rời khỏi thị trường chứng khoán New York, mà còn giúp giới đầu tư Trung Quốc mua cổ phiếu Alibaba dễ dàng hơn.

Tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Trung Quốc đã là doanh nghiệp niêm yết có giá trị lớn nhất ở châu Á, với giá trị vốn hóa lên tới 486 tỉ USD theo giá cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán New York (Mỹ. 

Vào thời điểm cuối cùng của ngày 30/9, Alibaba có 33 tỉ USD tiền mặt và các tài sản tương đương tiền, trong khi chỉ nợ 21 tỉ USD, theo Nikkei.

Jack ma

Tỉ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Ảnh: INC

Các nền tảng trực tuyến của Alibaba nhận các đơn đặt hàng có tổng trị giá hơn 38 tỉ USD trong lễ hội mua sắm giảm giá "Ngày Độc thân" hôm 11/11, mặc dù chỉ một phần nhỏ số tiền đó sẽ "chảy" về Alibaba do tập đoàn kiếm lời từ việc tính phí hoa hồng cho quảng cáo và các dịch vụ khác đối với cá nhân và tổ chức bán hàng.

Mặc dù vậy, những người am hiểu các kế hoạch của Alibaba khẳng định tập đoàn sẽ nộp đơn xin niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thứ cấp ở Hong Kong. 

Từ trước tới nay, Alibaba luôn "kín tiếng" về kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Hong Kong, song nhiều bài báo nhận định qui mô của đợt niêm yết sắp tới sẽ dao động từ 10 tới 15 tỉ USD.

Dải số 10-15 tỉ USD sẽ khiến đợt bán cổ phiếu của Alibaba thành đợt bán lớn nhất ở Hong Kong trong năm nay và cũng có khả năng là lớn nhất trên thế giới, phụ thuộc vào kết quả chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của tập đoàn Aramco ở Arab Saudi. 

Hãng bia Budweiser từng thu về 5 tỉ USD từ thị trường chứng khoán Hong Kong hồi tháng 9 và đây là đợt bán cổ phiếu lớn nhất ở châu Á từ trước tới nay.

Giới phân tích nhận định động lực chủ yếu của Alibaba khi niêm yết cổ phiếu ở Hong Kong là giúp giới đầu tư Trung Quốc tiếp cận cổ phiếu của tập đoàn dễ dàng hơn. Nó cũng phù hợp với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc vận động doanh nghiệp Trung Quốc hướng về thị trường nội địa nhiều hơn.

Hong Kong

Alibaba sẽ niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán thứ cấp ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Việc niêm yết cổ phiếu ở Hong Kong cũng sẽ mang tới một sự bảo hiểm rủi ro đối với Alibaba trong trường hợp họ phải rời khỏi thị trường chứng khoán New York. 

Nhiều quan chức trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump cùng một số nghị sĩ quốc hội Mỹ đang thảo luận những đề xuất để đẩy doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi Mỹ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. 

"Alibaba lập kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở thị trường thứ cấp để hút vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc, những người không thể rót vốn vào những cổ phiếu ở thị trường Mỹ", Vicky Wu, một nhà phân tích của công ty môi giới chứng khoán  ICBC International tại Hong Kong, phát biểu.

Vài tháng gần đây, giới quan sát theo dõi kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Hong Kong của Alibaba. Họ nhận định chính phủ Trung Quốc không muốn Alibaba thực hiện kế hoạch vào giai đoạn hiện nay vì việc một tập đoàn lớn như Alibaba niêm yết ở Hong Kong giống như phần thưởng hậu hĩnh và bất ngờ dành cho xứ càng thơm trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính quyền vẫn chưa chấm dứt trong 23 tuần qua.

Nhạc Phong

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.