|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gặp những người Việt 'hái' tiền trên Amazon và Alibaba

08:40 | 13/10/2019
Chia sẻ
Thương mại điện tử toàn cầu, xuất khẩu thời 4.0 không còn lý thuyết với những người biết nắm bắt và dám dấn thân. Chuyện của những cá nhân, doanh nghiệp bán được hàng Việt qua Amazon và Alibaba cho thấy cơ hội vô cùng to lớn của cách bán hàng xuyên biên giới thông qua Internet.

Ngủ vẫn bán được hàng sang Mỹ

Đỗ Văn Triệu nổi tiếng trong cộng đồng bán hàng qua mạng tại Việt Nam với nickname Tony Triệu trên Amazon. Xuất thân từ quê lúa Thái Bình, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin năm 2012, Triệu tham gia ngay vào các mô hình kinh doanh online.

Gặp những người Việt 'hái' tiền trên Amazon và Alibaba - Ảnh 1.

Mỗi tài khoản bán hàng của Tony Triệu có doanh thu trên 100.000 USD với mức tăng trưởng 130%/năm

Ban đầu, Triệu bắt tay vào việc bán sách online với thu nhập hơn 700 USD/tháng. Nhưng Triệu bắt đầu nghĩ đến câu hỏi của người thầy ngoại quốc: “Làm thế nào có được doanh số hàng triệu USD trong vòng 1 năm?”. 

Năm 2016, Triệu biết đến Amazon và bắt đầu thực hiện nhập hàng từ Trung Quốc để bán online ra thế giới. “Khi đó, ít người biết và tin chuyện ngồi ở Việt Nam có thể nhập hàng mãi tận Trung Quốc, bán sang Mỹ”, Triệu nhớ lại.

Với Triệu, sức hút của Amazon là sự quy củ và có FBA (dịch vụ hỗ trợ lưu kho và chuyển hàng cho các người bán) với các cam kết nổi trội như giao hàng trong vòng vài tiếng đồng hồ, năng lực tự vận hành của hệ thống cực tốt, người bán chỉ cần lập gian hàng trên Amazon (chi phí chỉ gần 40 USD/tháng - PV), giới thiệu về sản phẩm rồi chạy quảng cáo chính trên Amazon hoặc trên nền tảng khác.

Sau đó, việc bán hàng diễn ra đơn giản đến kinh ngạc. Triệu có thể ngồi trong quán cà phê với một cái máy tính để gửi yêu cầu đến nhà sản xuất chuyển sản phẩm đến kho của Amazon. 

Khi có người mua, Amazon thu tiền, vận chuyển cho khách rồi chuyển tiền về tài khoản chủ gian hàng. “Người bán không cần văn phòng, nhân sự, kho bãi. Hàng được bán cả ngày và đêm, kể cả lúc ngủ”, Triệu nói.

Tôi đang đi sâu vào thị trường ngách, xem ngách nào tiềm năng để tìm nhà cung cấp tốt và rẻ. Việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, giá hợp lý hợp xu thế sẽ quyết định thành công

Tony Triệu


Triệu bán hàng Trung Quốc được 1 năm thì xảy ra tình trạng không kiểm soát được nguồn hàng, hay bị dìm hàng. Từ đó, anh quyết định chọn bán đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, đồ handmade (tên gọi chung của sản phẩm làm bằng tay) của Việt Nam. 

“Mặt hàng này được khách nước ngoài ưa chuộng và người bán có thể quyết định được giá. Đơn cử, một tấm thiệp handmade bằng giấy ở Việt Nam có giá 20 nghìn đồng nhưng được bán tới 10USD (khoảng 230 nghìn đồng, gấp hơn 10 lần) trên Amazon” – Triệu nói.

Câu chuyện này tương tự như việc bán một chiếc nón lá với giá 300 nghìn đồng trên Amazon gây xôn xao cách đây mấy năm. Cách bán hàng sẵn có, giá cao như vậy có thể tồn tại một thời gian nữa nhưng theo Triệu, lâu dài, phải chuyên sâu và riêng biệt. 

Hiện tại, 90% doanh thu của Ecomstone (công ty do Triệu điều hành) đến từ Amazon. Hiện tại, anh hợp tác với một số công ty để bán hàng, trung bình mỗi tài khoản bán hàng của anh có doanh thu khoảng hơn 100.000 USD mỗi tháng, tốc độ tăng trưởng đạt 130%/năm.

Là một trong những người Việt thành công nhất trên Amazon nhưng Triệu sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng về cách kiếm tiền trên trang thương mại điện tử này. Hiện anh đang điều hành một cộng đồng mạng gồm 26.000 thành viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm bán hàng online nói chung và trên Amazon nói riêng. 

Nhờ những cá nhân và nhóm bán hàng như Triệu mà Amazon đã có những động thái hỗ trợ các nhà bán lẻ, nhà sản xuất tại Việt Nam trong những năm qua.

Tìm bạn hàng không biên giới

So với Amazon, mức độ phủ sóng tại Việt Nam của trang mạng Alibaba đến từ Trung Quốc lớn hơn. Mô hình vận hành của Alibaba là B2B (Business To Business), tức là bán sỉ giữa các doanh nghiệp với nhau. 

Không gian mạng cùng với các công nghệ phục vụ bán hàng do tỷ phú Jack Ma điều hành đã mang lại cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp ở Việt Nam.

Qua giới thiệu của HBS Việt Nam – một đại lý của Alibaba tại Việt Nam, chúng tôi gặp được Nguyễn Văn Thanh, CEO của Công ty Hóa chất Long Long. 

Sau nhiều năm hoạt động mảng thương mại ở nước ngoài, với sở thích sản xuất ăn sâu vào máu, năm 2015, Nguyễn Văn Thanh quyết định về nước đầu tư xử lý lốp xe cũ thành hạt cao su, chế thành nệm, gạch cao su… 

Đây là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, có thể giải quyết được vấn đề môi trường và công ăn việc làm. Tuy nhiên, vì là ngành nghề mới nên khâu bí nhất vẫn là đầu ra. Và Alibaba là một cánh cửa rộng thênh thang cho anh Thanh.

Gặp những người Việt 'hái' tiền trên Amazon và Alibaba - Ảnh 3.

CEO Nguyễn Văn Thanh tại hội thảo quốc tế về công nghệ xử lý nhựa và cao su phế thải.

CEO Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, ba năm qua, Công ty Hóa chất Long Long phát triển rất nhanh nhờ vào Alibaba. 

Thanh kể, ngay cả việc mua công nghệ, máy móc cho xưởng sản xuất của công ty, anh cũng thông qua Alibaba. 

“Alibaba phát triển rất mạnh ở Châu Á và đặc biệt là thị trường Trung Quốc rộng lớn. Đó là một cửa hàng khổng lồ, khách hàng có thể mua được gần như bất cứ thứ gì. Đặc biệt nếu tương tác tốt thì uy tín của người bán sẽ lên cao và sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn”, anh Thanh cho biết.

Sau khi đưa sản phẩm đầu tiên lên Alibaba vào năm 2016, anh đã lập tức có khách hàng. Khác với việc nhà sản xuất không được tương tác trực tiếp với khách hàng trên như trên Amazon, tại Alibaba, anh có thể trao đổi, gắn kết với bạn hàng. 

Nhiều khách hàng đã liên hệ trực tiếp với anh để kiểm tra mẫu, chất lượng và đưa ra yêu cầu cụ thể về sản phẩm. Năm 2018, doanh thu của Công ty Long Long đạt 3 triệu USD, dự kiến, năm 2020 sẽ tăng gấp đôi.

Thông qua thương mại điện tử, hiệu quả đạt được của công ty tăng rất rõ. Trong khi đó, chi phí dành cho gian hàng mỗi năm chỉ ước chừng 30 triệu đồng - một khoản chi phí không đáng kể. Trong thời buổi hiện nay, nếu doanh nghiệp biết khai thác, tận dụng trong xu thế bán và mua hàng trên các trang thương mại điện tử toàn cầu sẽ có hiệu quả rất lớn. Rất tiếc, nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn đứng ngoài cuộc”, anh Thanh nói.

Nguyễn Văn Thanh


Đức Anh