Lập sàn giao dịch vàng: Cần tính toán thận trọng để ngăn biến tướng
UBND TP.HCM đánh giá thị trường vàng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần xử lý. Ảnh: ST. |
Nhiều hạn chế cần xử lý
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, mặc dù thị trường vàng miếng đã dần đi vào ổn định theo đúng mục tiêu đề ra nhưng chưa thực sự bền vững, còn chịu ảnh hưởng vào sự biến động của giá vàng thế giới và các yếu tố tâm lý trên thị trường. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tuy có sự quản lý, kiểm soát về đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng vẫn còn DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ có những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, thiệt hại cho DN sản xuất, kinh doanh chân chính. Theo đó, trong đợt kiểm tra của liên ngành năm 2016, Đoàn Thanh tra liên ngành đã xử lý 35 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị định 24/2015/NĐ-CP, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng cho rằng, việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng; XNK vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã tạo ra sự chênh lệch bất hợp lý giữa giá vàng miếng SJC so với giá vàng quốc tế. Có thời điểm khoảng cách chênh lệch lên tới 5-7 triệu đồng/lượng. Điều này gây tâm lý hoang mang và khiến người dân bị thiệt thòi, vì phải mua vàng miếng với giá đắt hơn so với giá quốc tế. Còn đối với các DN có sản phẩm gia công, xuất khẩu vàng trang sức cho nước ngoài, do phải mua vàng nguyên liệu với giá cao hơn giá vàng quốc tế nên càng bán thì càng bị lỗ và không có điều kiện đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để tái tạo ngoại tệ cho đất nước.
Ngoài ra, tình trạng chênh lệch giá còn làm gia tăng tình trạng xuất, nhập khẩu lậu vàng miếng, gây khó khăn cho công tác quản lý thị trường và điều hành chính sách tiền tệ của các cơ quan chức năng. Thời gian gần đây, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế đã được thu hẹp. VGTA cho rằng điều này chủ yếu là do giá vàng quốc tế đã tăng quá mạnh sau sự kiện Brexit, trong khi giá vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng chậm do nhu cầu trong nước quá thấp, chứ chưa phải do tác động của chính sách mang lại.
Ngoài ra, theo VGTA, khi DN đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức nhưng lại không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mà phải mua vàng trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế. Kéo theo đó, giá thành vàng trang sức tăng cao, không thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại hay nhập lậu. Điều này đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn lậu vàng phát triển. Đồng thời đẩy DN tới tình trạng luôn phải đối mặt với rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng bất hợp pháp.
Từ thực tế trên, UBND TP.HCM và VGTA đã đề xuất NHNN nghiên cứu xây dựng đề án cho tổ chức được huy động nguồn vàng nhàn rỗi từ dân cư để phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, NHNN cần nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập các trung tâm, sàn giao dịch vàng vật chất do Nhà nước quản lý để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng; đồng thời góp phần huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, VGTA cũng đề nghị NHNN bãi bỏ quy định cấp giấy phép đối với một số hoạt động, gồm nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; tạm nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ để tái xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Cần lộ trình cụ thể
Đánh giá về thị trường vàng trong nước, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thời gian qua thị trường vàng trong nước có những biến động bất thường do Việt Nam không có một thị trường chung để mọi người có thể giao dịch, khiến cho thị trường dễ bị tác động bởi tâm lý, đầu cơ, từ đó dễ xảy ra những cú sốc. Ngoài ra, hàng trăm tấn vàng đang tích trữ trong dân mà không đưa vào lưu thông, góp phần phát triển kinh tế xã hội là một sự lãng phí rất lớn. Do đó, cần thành lập một sàn giao dịch để khuyến khích người dân đưa vàng ra giao dịch. Đồng thời, NHNN cũng cần phát hành chứng chỉ vàng để tạo một sự đảm bảo cho người dân khi đưa vàng ra giao dịch. Hiện nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa sẵn sàng để thành lập sàn giao dịch vàng. TS Hiếu cho rằng tất cả mọi vấn đề đều có thể giải quyết được. Việc cần làm hiện nay là Chính phủ phải đưa ra định hướng thống nhất và xác định lộ trình cụ thể để các đơn vị đi vào thực hiện.
Ngoài việc lập sàn giao dịch vàng, TS Hiếu cũng cho rằng cần mở rộng đối tượng được nhập khẩu vàng để giúp tạo sự cân bằng cho thị trường. Hiện tại chỉ NHNN mới được phép nhập khẩu vàng, điều này đi ngược lại với chức năng của NHNN. Theo đó, NHNN nên lui về làm công tác quản lý thay vì vừa quản lý vừa kinh doanh như hiện nay.
Không phản đối đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng, nhưng ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng cần có những tính toán thận trọng để tránh bị biến tướng, gây rối loạn thị trường. Bởi trước đây Việt Nam cũng từng thành lập sàn giao dịch vàng nhưng không phát huy tác dụng, thậm chí còn phát sinh tiêu cực. Do đó, thời gian tới khi thành lập sàn giao dịch vàng, Chính phủ và NHNN cần xây dựng quy chế chặt chẽ, sửa chữa những hạn chế của sàn vàng trước đây và đặc biệt là cần tham khảo các thông lệ quốc tế.