Lãnh đạo VSD: Động lực chính cho sự tăng trưởng của TTCK từ các NĐT trong nước, F0 mới
Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán ở khu vực Châu Á bị rút vốn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) không tránh khỏi tình trạng rút ròng liên tiếp từ khối ngoại kể từ đầu năm. Tuy bất ngờ quay lại mua ròng lên đến hơn 220 triệu USD trong tháng 7, động thái này không duy trì được lâu khi nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng ngay trong tháng 8.
Theo Bloomberg, tính từ đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,5 tỷ USD, con số bán ròng mạnh nhất từ trước đến nay trên TTCK Việt Nam. Trả lời về thực trạng khối ngoại bán ròng trên Talkshow Phố Tài chính, cơ quan quản lý nhận định, các nhà đầu tư ngoại đang cơ cấu lại danh mục, bán ròng trên thị trường cổ phiếu nhưng lại mua ròng ở thị trường trái phiếu, điều quan trọng là dòng tiền ngoại vẫn ở Việt Nam.
Theo báo cáo từ các công ty chứng khoán, có hơn 21 triệu USD từ các quỹ ETF đã rót vào TTCK Việt Nam. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, các quỹ ETF lại hút ròng tới 590 triệu USD, cao gấp 2,6 lần lượng vốn ETF vào cả năm 2020. Đã có 80% tổng tài sản của các quỹ được đầu tư vào ngành như tài chính, bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu...
Chất lượng và quy mô của các quỹ ngoại tham gia vào TTCK Việt Nam đang ngày một tăng lên
Đánh giá về số lượng và quy mô của các quỹ ngoại trên thị trường, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng số lượng các tổ chức tham gia vào TTCK Việt Nam hiện nay chưa phải quá lớn, nhưng chất lượng cũng đã có sự tăng lên, có sự hiện diện của những nhà đầu tư có danh mục đầu tư ở quy mô toàn cầu.
Ngoài ra, các tổ chức lưu ký toàn cầu đã có hoạt động tại thị trường Việt Nam như Citibank, HSBC, Standard Chartered,... Đây là những nhà đầu tư chất lượng đến từ các thị trường phát triển với danh mục đầu tư trải rộng, là dấu hiệu tốt cho thấy sự hấp dẫn của TTCK nước ta. Số lượng các nhà đầu tư đến từ các nước có thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ và Châu Âu cũng đang chiếm đa số.
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô dòng vốn ngoại vào thị trường mặc dù có sự thay đổi lúc ra, lúc vào nhưng tổng danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK là hơn 51,3 tỉ USD.
Nếu tính trên quy mô và điều chỉnh danh mục đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có rút ra trên thị trường cổ phiếu nhưng lại đầu tư vào trái phiếu. Theo đó, mức đầu tư trên thị trường trái phiếu rơi vào hơn 9.000 tỷ đồng. Rõ ràng, dòng vốn nước ngoài vẫn ở Việt Nam, chỉ thay đổi danh mục đầu tư.
Còn về độ mở của TTCK đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Dũng cho rằng so với các nước trong khu vực thì thị trường Việt Nam có độ mở lớn. Việc tham gia hay rút khỏi thị trường còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của nhà đầu tư đối với từng thị trường. Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn nhận ở góc độ mua bán đơn thuần, mà họ còn hướng đến các sản phẩm đầu tư bền vững.
Đối với các nhà đầu tư quốc tế, các rào cản về pháp lý gần như đã được nhận diện, làm rõ và từng bước đơn giản hóa. Những quy định pháp lý mới vừa được ban hành cũng đã có những cải thiện về thủ tục quy trình, rút ngắn thời gian, trong thời gian tới sẽ có sự hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Quỹ 'cá mập' hay không không quan trọng bằng việc đón nhận được những luồng vốn đầu tư mang tính dài hạn
Nói về quan điểm Việt Nam chưa thực sự có những quỹ "cá mập", ông Dũng cho biết, một quỹ lớn bao giờ cũng đi kèm với việc nghiên cứu thị trường, độ an toàn rất kỹ chứ không phải là một sớm một chiều họ quyết định đầu tư được.
Bên cạnh việc nghiên cứu các chính sách, họ cũng đưa ra khuyến nghị để cải thiện chính sách đó. Bản thân mỗi quỹ có quan điểm đầu tư rõ ràng, có mục tiêu và tiêu chí của quỹ.
Việc một thị trường có các quỹ lớn tham gia vào hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn và quy mô nền kinh tế. Nếu đánh giá trên quy mô của thị trường niêm yết, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn ở mức vừa và nhỏ theo định nghĩa của quốc tế.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng "cá mập hay không cũng chưa phải là tốt". Quan trọng nhất là TTCK Việt Nam đón nhận được những luồng vốn đầu tư mang tính dài hạn, có ý nghĩa trong việc giúp nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp.
Đồng thời, tùy theo quy mô thị trường, chúng ta sẽ tiếp nhận những luồng vốn, những khoản đầu tư phù hợp, như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với việc quy mô thị trường chưa tương xứng mà ta lại phải đón nhận những quỹ đầu tư mang tính mạo hiểm và có tính ngắn hạn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh các giải pháp thu hút dòng vốn ngoại, điều đáng mừng là động lực chính cho TTCK Việt Nam đến từ các nhà đầu tư trong nước
Hiện nay, các giải pháp để thu hút dòng vốn ngoại chính là đa dạng hóa sản phẩm và tăng quy mô, số lượng và cải thiện chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, cải thiện các thủ tục hành chính cũng như các quy định để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK là những giải pháp mà cơ quan quản lý đã và đang triển khai.
Trong những đề án đang nghiên cứu có việc đưa ra sàn giao dịch cho doanh nghiệp khởi nghiệp, những sản phẩm mới trên thị trường, hay như đối với Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM đang nghiên cứu về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết…
"Có một điều thực tế là khi thị trường càng phát triển, chúng ta càng thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường. Và trong số các nhà đầu tư quốc tế đó thì sẽ có nhiều loại hình quỹ đầu tư, nhiều loại hình, mô hình tổ chức đầu tư khác nhau.
Trong đó có cả những quỹ đầu tư mang tính chất đầu tư mạo hiểm, nên sự luân chuyển dòng vốn rất là nhanh. Đấy là một trong những yếu tố bình thường đối với bất kỳ thị trường nào trải qua sự phát triển." Theo ông Tuấn, điều quan trọng là chúng ta nhìn thấy vấn đề, phân tích và đưa ra chính sách phù hợp để không bị động.
Ông Tuấn cũng cho hay, có một điểm rất đáng mừng là sự tăng trưởng của TTCK trong năm 2020 và 2021 không phải đến từ khối ngoại, mà động lực chính đến từ các nhà đầu tư trong nước, từ thế hệ F0 mới.
Thế hệ các nhà đầu tư F0 giai đoạn vừa qua có sự khác biệt lớn so với thế hệ nhà đầu tư ở những năm mới thành lập thị trường. F0 thế hệ mới năng động, có kiến thức am hiểu thị trường và có cả khả năng tài chính nhất định. Họ tham gia thị trường, tạo động lực cho sự phát triển TTCK trong thời gian vừa qua.
Để thu hút dòng vốn ngoại, ông Tuấn cho rằng mấu chốt ở đây là thị trường của chúng ta là phải ngày càng hoàn thiện về khuôn khổ pháp lý. Và bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải có kết quả kinh doanh khả quan, nâng cao chất lượng quản trị công ty, để tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, từ đó thu hút tốt hơn những luồng vốn đầu tư có chất lượng vào thị trường.