|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo Vinamilk: Không quá lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu thụ sữa, đang giảm tồn kho tại các nhà phân phối

10:32 | 14/02/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu nên ban lãnh đạo Vinamilk cũng không quá lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu thụ sữa.

Vinamilk ra mắt nhiều dòng sản phẩm để đáp ứng người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua đang chững lại. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Báo cáo của Chứng khoán VNDirect cho biết, trong cuộc gặp gỡ giữa Chuyên viên phân tích và Nhà đầu tư Tổ chức với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết công ty vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng 1/2023 do đang chủ động giảm hàng tồn kho tại các nhà phân phối.

Tuy nhiên mảng sữa bột ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số trong một vài tuần trở lại đây có thể do tỷ lệ sinh tăng trở lại đầu năm âm lịch Quý Mão.

Ban lãnh đạo Vinamilk cũng không quá lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu thụ sữa do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.

Đại diện Vinamilk cho biết, giá bột sữa (nguyên vật liệu đầu vào) toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ không có nhiều tác động tới xu hướng này. Công ty đã chốt xong giá bột sữa đầu vào cho giai đoạn nửa đầu năm 2023.

Đối với công ty thành viên là Mộc Châu Milk (Mã: MCM), công ty đặt mục tiêu mở rộng hệ thống cửa hàng ở miền Bắc thay vì miền Trung và miền Nam. Nguyên nhân là chi phí vận chuyển thấp hơn và Mộc Châu Milk là thương hiệu lâu đời ở khu vực phía Bắc với thị phần ổn định.

Dự án trang trại tại Lào hiện có 1.000 con, Vinamilk dự kiến nhập 4.000 con và dự kiến cho ra sản phẩm trong năm nay.

Đối với chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, hiện tại số lượng là 650. Ban lãnh đạo kỳ vọng nâng tổng số lên 1.000 cửa hàng trong hai năm tới.

Doanh thu khó tăng trưởng mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Theo báo cáo mới công bố, VNDirect nhận định Vinamilk thiếu động lực tăng trưởng doanh thu trong 2023 - 2024.

 Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của công ty. 

Hầu hết các ngành thâm dụng lao động đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III. 

Theo ban lãnh đạo Vinamilk, sản phẩm sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu.

Ban lãnh đạo kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa ghi nhận mức tăng trưởng một con số, dưới 5% so với năm ngoái trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Vinamilk đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm, đặc biệt là ở phân khúc sữa bột.

Trong năm 2022, VNDirect cho biết công ty chưa tung ra sản phẩm mới nào đáng chú ý trong khi các hoạt động khuyến mại bị cắt giảm. VNM vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về thương hiệu và làm mới bao bì, hương vị và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc kênh bán trong năm 2022 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số nửa đầu năm 2023, cũng như Vinamilk cũng chưa có những sản phẩm đột phá mới để tạo động lực tăng trưởng doanh thu cho công ty.

VNDirect kỳ vọng Vinamilk sẽ duy trì thị phần không đổi trong giai đoạn 2023 - 2024 với sản lượng tiêu thụ trong nước tăng lần lượt 1% và 2% so với cùng kỳ, trong khi giá bán trung bình không đổi trong năm 2023 và tăng nhẹ 1% trong năm 2024. Do đó, doanh thu nội địa được kỳ vọng sẽ tăng 1% và 3% trong hai năm tới.

Đối với xuất khẩu, các chuyên gia dự phóng doanh thu mảng này sẽ tăng 7% trong năm nay so với mức cơ sở thấp trong năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ sữa tại thị trường Trung Đông phục hồi ở mức chậm.

Theo báo cáo, nhu cầu nhập khẩu sữa của Trung Quốc được kì vọng sẽ phục hồi sau khi nước này mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn chưa đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu xuất khẩu của Vinamilk (khoảng 5%). Do đó, sự kiện này sẽ không tác động đáng kể đến tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của công ty sữa thị phần hàng đầu Việt Nam.

Ước tính, doanh thu thuần của Vinamilk dự kiến sẽ tăng lần lượt 2% và 3,8% lên đạt 61.168 tỷ đồng và 63.496 tỷ trong hai năm 2023 và 2024.

Biên lợi nhuận có thể cải thiện từ quý III nhờ nguyên liệu tồn kho giá thấp

Theo Rabobank, sản lượng nhập khẩu bột sữa của Trung Quốc trong quý I/2023 dự kiến sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2022 do vẫn còn hàng tồn kho tích lũy trong năm qua. Nhu cầu sữa toàn cầu có thể sẽ yếu đi trong ngắn hạn do nhiều nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát.

Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức thấp hơn 5% so với năm 2022. Bên cạnh đó, việc đồng USD hạ nhiệt thời gian gần đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Vinamilk có thể sẽ bắt đầu sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp từ giữa quý I/2023. Do đó, biên lợi nhuận gộp có thể được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ từ quý III/2023 do trong nửa đầu năm ngoái, công ty vẫn sử dụng nguyên liệu đầu vào có chi phí thấp hơn so với nửa đầu năm 2023.

Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có thể được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ từ quý III/2023 nhờ sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp.

Mặt khác, báo cáo chỉ ra giá đường toàn cầu gần đây tăng do triển vọng nguồn cung đường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở Ấn Độ (mưa lớn) và các nhà sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol hơn trong niên vụ 2023 - 2024 .

Yếu tố này có thể ảnh hưởng phần nào đến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk do công ty cũng nhập khẩu đường từ thị trường nước ngoài để sản xuất bên cạnh việc nhập đường từ Vietsugar (công ty con).

Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk dự phóng sẽ tăng lên 41,8% (tăng 2 điểm % so với năm ngoái) trong năm 2023. Nhìn chung, VNDirect dự phóng lợi ròng của Vinamilk sẽ cải thiện 10,9% lên 9.450 tỷ đồng.

Sang năm 2024, lợi nhuận ròng của Vinamilk được dự tính sẽ phục hồi từ mức nền thấp năm 2022, tức tăng hơn 20,4% so với năm 2022, chủ yếu nhờ chi phí đầu vào thấp hơn, trong khi tăng trưởng doanh thu vẫn ở mức khiêm tốn.

VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của công ty sữa này sẽ cải thiện 1,2 điểm % lên 43% nhờ chi phí bột sữa đầu vào giảm 1% so với cùng kỳ.

  Dự phóng về kết quả kinh doanh của Vinamilk. (Nguồn: VNDirect).

Minh Hằng