|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lãnh đạo PAN: Đầu tư vào Shin Cà phê vì trân trọng giá trị của thất bại

08:50 | 11/11/2019
Chia sẻ
CTCP Tập đoàn PAN (The PAN Group - HoSE: PAN) vừa công bố đầu tư và nắm gần 80% cổ phần chuỗi Shin Cà phê. Ông Nguyễn Duy Khánh - Thành viên HĐQT The PAN Group, người trực tiếp phụ trách thương vụ đầu tư vào startup này đã có những chia sẻ xung quanh việc PAN tham gia mảng sản xuất và kinh doanh cà phê đặc sản.

- Tại sao tập đoàn lại quyết định tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này?

- Từ trước đến nay, The PAN Group luôn sẵn sàng cho các kế hoạch M&A, bên cạnh việc tăng trưởng dựa vào nội lực. Ngoài các doanh nghiệp đầu ngành, PAN cũng có chiến lược đầu tư vào những startup tiềm năng, thích hợp để cùng thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản, thực phẩm Việt. Với cà phê thì cũng không phải đến giờ chúng tôi mới tìm hiểu. Tập đoàn từng ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Đăk Lăk về việc xây dựng cơ sở trồng, chế biến, sản xuất cà phê thương hiệu với quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo PAN: Đầu tư vào Shin Cà phê vì trân trọng giá trị của thất bại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Khánh - Thành viên HĐQT Tập đoàn PAN

Tuy vậy, việc hợp tác lần này lại rất tình cờ. Lãnh đạo tập đoàn vô tình đọc được câu chuyện gây nhiều cảm hứng của CEO Shin Cà phê - Nguyễn Hữu Long trên truyền thông và nhận thấy đây có thể mặt xích phù hợp trong chuỗi liên kết từ nông trại đến những sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao. Startup cũng mang trong mình ước mơ mang nông sản Việt ra với thế giới...

Cá nhân tôi vì thế quyết định phải gặp trực tiếp ngay để tìm hiểu và đánh giá đây là một cơ hội tốt cho cả 2 bên. Tuy nhiên, hội đồng quản trị của PAN cũng rất khó tính khi lựa chọn, nhất là khi ai cũng thấy làm cà phê thương mại thì nhanh hơn, lợi nhuận dễ đến hơn. Con đường "khó" mà Shin Cà phê chọn, dù vậy, là rất phù hợp với những gì chúng tôi đang muốn xây dựng. Chính bởi nhận thức chung này mà cuối cùng, chúng tôi cũng nhận được cái gật đầu từ ban lãnh đạo.

- Shin Cà phê được biết đến với sản phẩm cà phê đặc sản, song quy mô còn khiêm tốn. PAN mong chờ điều gì từ cơ hội kinh doanh này?

Cà phê đặc sản (coffee specialty) là loại cà phê được Hiệp hội Cà phê đặc sản của Mỹ (SCAA) chấm đạt từ 80 điểm trở lên theo thang điểm 100 với những điểm rất cụ thể. Đó là những loại cà phê được trồng tại những khu vực khác nhau với điều kiện địa lý và khí hậu đặc biệt, lý tưởng: Có thể nóng, lạnh, ít mưa hay khí hậu ôn hòa, có thể cao 1400m hoặc thậm chí trên 2000m so với mực nước biển... Cà phê đặc sản khác biệt bởi những đặc tính và thành phần đặc biệt của đất mà cây cà phê được trồng.

- Cà phê là một nông sản chủ lực của Việt Nam nhưng xuất khẩu chủ yếu mới ở dạng nguyên liệu thô, chất lượng thấp. Người nông dân rất vất vả để làm ra hạt cà phê nhưng giá trị thu về nhỏ, đong đếm bằng những con số khô khan theo tấn, tạ... Trong khi đó, cà phê đặc sản lại là một thị trường có giá trị gia tăng cao và tăng trưởng nhanh. Năm 2017, thế giới đã chi khoảng 60 tỷ USD cho sản phẩm này.

Tương tự, người Việt mỗi năm dùng khoảng 170.000 tấn cà phê nhân, song nguồn nguyên liệu cung ứng nhìn chung có chất lượng kém, sản xuất và tiêu thụ đều phân mảnh, chưa có công ty thống lĩnh thị trường. Mảng đặc sản thì càng không có. The PAN Group từ lâu luôn muốn góp phần thúc đẩy việc đưa hạt cà phê từ những vùng trồng chất lượng cao của Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới, thông qua những thương hiệu được biết tới trên toàn cầu.

Trong khi đó, đối tác Shin Cà phê có thế mạnh ở khâu sản xuất và cung cấp cà phê đặc sản, kiểm soát được vùng trồng và chất lượng chế biến ở các nhà máy do chính họ sở hữu. Mọi người thường biết đến 2 cửa hàng Shin Cà phê tại trung tâm TP HCM, song đó chỉ là những không gian trải nghiệm, giới thiệu đến công chúng các sản phẩm cà phê đặc sản.

Một điểm khác biệt là người ta thường có định kiến rằng cà phê Arabica mới mang lại giá trị cao, còn cà phê Robusta mà Việt Nam trồng phổ biến thì không thể trở thành đặc sản. Với hiểu biết của mình, CEO của Shin Cà phê muốn thay đổi quan niệm đó, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho người nông dân Việt Nam. Đây là điều mà The PAN Group rất chia sẻ.

Lãnh đạo PAN: Đầu tư vào Shin Cà phê vì trân trọng giá trị của thất bại - Ảnh 3.

Một không gian trải nghiệm tại chuỗi Shin Cà phê do CEO Nguyễn Hữu Long (ảnh nhỏ) sáng lập tại trung tâm TP HCM.

- Thị trường F&B nói chung và cà phê nói riêng tại Việt Nam cũng như thế giới rất khốc liệt. Điều gì khiến ông tin tưởng vào thành công của dự án?

- Đó là vì chúng tôi trân trọng giá trị từ những thất bại trước đây của đối tác. Quan trọng hơn là cứ sau thất bại, anh ấy tự đứng lên được. Không giống như việc M&A các doanh nghiệp đầu ngành, đầu tư vào các startup không bao giờ có chuyện "ăn chắc". Cách tốt nhất để hạn chế rủi ro, theo tôi, là tìm được những đối tác từng phải tự mình trả giá cho những sai lầm trong quá khứ. Đó chính là những bài học đắt giá giúp họ có kinh nghiệm vượt qua những bất trắc tiếp theo.

Lãnh đạo PAN: Đầu tư vào Shin Cà phê vì trân trọng giá trị của thất bại - Ảnh 4.

Những sản phẩm cà phê đặc sản tại Shin Cà phê.

Nguyễn Hữu Long từng hơn một lần thất bại khi đầu tư vào cà phê, từng phải sang Nhật làm nghề khác để có cơ hội tìm hiểu về cà phê... nên chúng tôi tin anh ấy sẽ có nhiều kinh nghiệm. Một điểm nữa khiến tôi rất tin tưởng là người sáng lập hoàn toàn "sống" với cây cà phê, rất yêu nghề và có kiến thức. Đó là những phẩm chất cần có để thành công, không chỉ trong lĩnh vực F&B.

- Sau khi Shin Cà phê chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn PAN, hai bên có thể mang lại những giá trị cộng hưởng gì cho nhau?

- Với lịch sử phát triển của mình và các công ty thành viên, Tập đoàn PAN sở hữu kinh nghiệm phong phú về phát triển vùng nguyên liệu cũng như quy trình lựa chọn giống, hướng dẫn canh tác. Điều này sẽ giúp mở rộng hơn nữa vùng nguyên liệu của Shin Cà phê.

Chúng tôi cũng có trong tay hơn 150.000 điểm bán hàng trên cả nước và thị trường xuất khẩu tới hàng chục quốc gia, sẵn sàng chắp cánh cho giấc mơ cho những người sáng lập Shin Cà phê. Đó là chưa kể đến khả năng kết hợp năng lực phát triển sản phẩm (R&D) của tập đoàn với mô hình công ty loại nhỏ. Về phần mình thì việc đầu tư vào những startup như Shin Cà phê là cơ hội để PAN có được khả năng tăng trưởng dài hạn, bền vững trong tương lai.

Phạm An