|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lãnh đạo Nova Consumer tiết lộ hai tổ chức quốc tế đặt mua gấp đôi lượng chào bán, định giá tới 60.000 đồng/cp

08:39 | 23/02/2022
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Nova Consumer, đợt IPO của công ty nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư và hiện lượng đặt mua của hai tổ chức này đã gấp 2 lần số lượng cổ phiếu mà công ty chào bán.

Chiều 21/2, Tập đoàn Nova Consumer đã có buổi gặp gỡ "Cổ phiếu Nova Consumer - Tiềm năng và cơ hội đầu tư" để hé lộ chiến lược kinh doanh thời gian tới và giải đáp một số thắc mắc của nhà đầu tư. 

Lý do mua vào Công ty TNHH Sunrise Food?

Ông Nguyễn Minh Hải Giám đốc Khối Tài chính Kế toán Nova Consumer cho biết ngoài các chỉ số tài chính lành mạnh của Sunrise Food trong 2 – 3 năm qua, công ty còn xem xét nhiều yếu tố quan trọng khác. 

Thứ nhất, chiến lược phát triển của Nova Consumer là tiến vào ngành hàng tiêu dùng nên bắt buộc phải chọn doanh nghiệp có hệ thống phân phối tốt. Trong khi đó, Sunrise Food là đơn vị gián tiếp sở hữu Anco Family Food, doanh nghiệp có hệ thống phân phối gần 80.000 điểm bán qua kênh bán lẻ truyền thống và hơn 4.000 điểm bán lẻ ở kênh siêu thị. Đây là bàn đạp để Nova Consumer tiến vào ngành hàng tiêu dùng trong tương lai.

Thứ hai, Anco Family Food có cơ sở sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến thịt, qua đó Nova Consumer sẽ tận dụng được đầu vào các sản phẩm mà công ty phát triển trong 30 năm qua. 

Cuối cùng, Anco Family Food có danh mục hàng hoá khá tốt và đã có chỗ đứng trên thị trường, thị phần đạt gần 30%. Đây là nền tảng để Nova Consumer tiến vào ngành hàng tiêu dùng ngay từ năm 2022 trở đi. 

Chiến lược giành lấy thị phần trong ngành hàng tiêu dùng khi trên thị trường đã có nhiều doanh nghiệp khác đi trước?

Tổng Giám đốc Nova Consumer bày tỏ thách thức này không chỉ là câu hỏi của nhà đầu tư mà còn cho chính nội bộ của công ty. Đối với ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam, mức tiêu thụ bình quân đầu người khá thấp, đặc biệt sản phẩm dinh dưỡng và sữa chỉ khoảng 26 – 27 lít/năm, thấp hơn 3 - 4 lần so với các nước phát triển khác. Chính vì vậy, dư địa đó đủ lớn để dành cho những người tham gia sau.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển sản phẩm của Nova Consumer theo chiều rộng, nghĩa là chọn ngành hàng có giá trị lớn để tham gia. Trong "chiếc bánh" thị phần, Nova Consumer sẽ tìm kiếm một phân khúc để có thể dẫn dắt, đi đầu xu hướng tiêu dùng.

Hiện tại Nova Consumer đang mở rộng sản phẩm về trang trại và chuyển cung cấp từ heo hơi sang thịt (thịt nóng sang thịt mát). Đây là xu hướng mà các doanh nghiệp lớn đang cùng nhau thực hiện, qua đó thay đổi nhận thức người tiêu dùng. 

Tại sao giá khởi điểm IPO là 43.500 đồng/cp và định giá của công ty so với trung bình ngành?

Giải đáp thắc mắc về câu hỏi này, ông Nguyễn Thế An, Giám đốc Quan hệ Định chế Tài chính NovaGroup cho biết trước hết, đây là mức giá giá trị sổ sách tại thời điểm công ty xin ý kiến cổ đông về việc IPO và niêm yết trên sàn HOSE.

Thứ hai, đây là mức định giá hấp dẫn đối với những nhà đầu tư tham gia ngay từ những ngày đầu IPO và có thể dễ dàng lợi nhuận trong thời gian tới. Trên mức lợi nhuận 2021, P/E của Nova Consumer ở mức 18 lần, EBITDA ở mức 11 lần, thấp hơn 30% so với P/E bình quân của ngành là 27 lần.

Thứ ba, hiện mảng kinh doanh truyền thống (nông nghiệp) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên 85% trong cơ cấu doanh thu. Bước sang 2022, Nova Consumer sẽ hoàn thiện chuỗi danh mục sản phẩm, từ đó có mức tăng trưởng ấn tượng hơn. P/E Forward của công ty năm 2022 tương đối thận trọng, giảm còn 15 lần, mức định giá rất hấp dẫn.

Cuối cùng, Nova Consumer nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư và hiện đang đàm phán với hai tổ chức đầu tư quốc tế. Hiện lượng đặt mua của hai tổ chức này đã gấp 2 lần số lượng cổ phiếu mà công ty chào bán. 

Ngoài ra, Nova Consumer cũng nhận định nhiều đơn đăng ký đặt mua và tiền đặt cọc từ các nhà đầu tư khác. Cùng với đó, ngoài SSI, có một định chế tài chính Hàn Quốc cũng đang làm việc với công ty và định giá cổ phiếu của Nova Consumer tới 60.000 đồng/cp.

Tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Nova Consumer dự kiến đến từ nhóm sản phẩm nào?

Theo Tổng Giám đốc Nova Consumer, năm 2021, doanh thu của công ty phần lớn đến từ mảng nông nghiệp. Sang năm 2022, sau khi hoàn thành M&A với Sunrise Food thì cơ cấu doanh thu dự kiến là 20% ngành hàng tiêu dùng và 80% cho nông nghiệp. 

Trong 5 năm tới, Nova Consumer đặt mục tiêu 40% ngành hàng tiêu dùng và 60% cho nông nghiệp và mảng tiêu dùng sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong 10 năm tiếp theo. 

Ông Nguyễn Hiếu Liêm Chủ tịch HĐQT Nova Consumer cũng chia sẻ nông nghiệp là nền tảng vững chắc cho công ty trong cả hiện tại và tương lai. 

Năm 2021, khi tình hình đại dịch khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đây lại là năm thành công đối với mảng nông nghiệp của Nova Consumer, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc vật nuôi. Trong thời gian giãn cách, Nova Consumer đã tổ chức sản xuất 3 tại chỗ và vẫn có thể giao hàng tới từng địa phương.

Kế hoạch huy động vốn trong thời gian sắp tới ngoài nguồn thu được từ IPO?

Giám đốc Khối Tài chính Kế toán tự tin buổi IPO của Nova Consumer sẽ diễn ra thành công trong bối cảnh thị trường vốn thứ cấp sôi động và mặt bằng lãi suất thấp, qua đó huy động vốn này để mua vào Sunrise Food. 

Về trung và dài hạn, nguồn vốn sẽ được thu xếp thông qua các mối quan hệ của Nova Consumer với các định chế tài chính trong và ngoài nước như IFC (công ty tài chính quốc tế), các ngân hàng như HSBC, Shinhanbank, Vietcombank, Vietinbank. Theo đó, ông Hải khẳng định nguồn vốn của Nova Consumer sẽ không thiếu, thậm chí dồi dào trong 4 -5 năm tới. 

Đại diện cho công ty mẹ, ông An khẳng định Nova Group vẫn là nhà đầu tư lớn nhất cho Nova Consumer sau đợt IPO và cam kết đảm bảo công ty luôn có nguồn vốn đầy đủ để đáp ứng mục tiêu M&A và tăng trưởng trong 10 – 15 năm tới.

Dự định thời gian niêm yết trên sàn chứng khoán?

Theo như thông báo, đợt IPO sẽ hoàn tất việc chào bán vào ngày 11/3, ngay sau đó Nova Consumer sẽ tiến hành thủ tục báo cáo tài chính và nộp hồ sơ lên HOSE để có thể chấp thuận niêm yết vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. 

Bảo Ngọc