Lãnh đạo cứu giá bằng cách ‘nổ’, cổ phiếu vẫn giảm bền vững
Ông Trịnh Văn Quyết: Nhà đầu tư tin tôi đi, cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả! |
Bao giờ cổ phiếu FLC về mệnh giá 10.000 đồng/cp?
Câu hỏi này đã xuất hiện trong đại hội cổ đông của CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) trong nhiều năm nay. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 11/2015, ông Trịnh Văn Quyết -C hủ tịch HĐQT FLC từng chia sẻ, nếu cổ phiếu FLC đến 2016 vẫn dưới mệnh giá, tôi sẽ cầm cố tài sản để mua vào.
Thực hiện đúng lời hứa, ông Quyết đã liên tục đăng kí mua vào cổ phiếu FLC từ năm 2016 cho đến nay. Hiện, lượng nắm giữ là 145 triệu cp, tương đương 21,19% vốn điều lệ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu FLC vẫn luôn dưới 10.000 đồng/cp mặc dù doanh thu và tổng tài sản tăng đều qua các năm. Có thời điểm, giá cổ phiếu FLC giảm về dưới 4.000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu FLC kể từ đầu năm 2016. Nguồn: VnDirect |
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 mới đây, ông Trịnh Văn Quyết tái khẳng định với các nhà đầu tư, trong đó có những cổ đông đã tham dự 4 – 5 kỳ đại hội rằng: "Những năm tới FLC sẽ về mệnh, người cầm cổ phiếu FLC sẽ có ngày hái quả!".
Dự báo ngược về giá cổ phiếu
Tháng 6/2017, tại Đại hội cổ đông CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA), ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), điều hành đại hội với sự ủy quyền của em gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ông Tâm khẳng định, giá cổ phiếu của ITA chỉ có lên chứ không xuống được và dự báo cổ phiếu này sẽ tăng lên mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Ngay sau đại hội đó, cổ phiếu ITA đã tăng từ 3.440 đồng lên 4.940 đồng/cp, tương ứng tăng gần 44%. Có những phiên cổ phiếu tăng trần với dư mua giá trần lên tới hàng chục triệu đơn vị.
Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh kém khả quan với lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 8 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kì năm trước. Cổ phiếu ITA đã cắm đầu giảm về mức giá “trà đá” 2.000 đồng/cp sau một năm.
Diễn biến giá cổ phiếu ITA trong một năm nay. Nguồn: VnDirect |
Hứa suông mua cổ phiếu
Trong nhiều trường hợp khi giá cổ phiếu giảm mạnh, việc đăng ký mua vào của lãnh đạo doanh nghiệp là một thông tin tạo niềm tin cho những nhà đầu tư đang đang nắm giữ. Tuy nhiên, trong nhiều công ty, tình huống lãnh đạo “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều” khiến cổ phiếu chỉ tăng nóng trong vài phiên, rồi lại tiếp tục giảm.
Không chỉ dự báo về giá cổ phiếu ITA, tại đại hội cổ đông vào tháng 6/2017, ông Đặng Thành Tâm từng hứa, sau đại hội tôi sẽ mua vào, bỏ 100-200 tỷ đồng mua là chuyện thường không có gì khó khăn hết. Tuy nhiên, sau một năm, đây vẫn chỉ là lời hứa suông khi ông Tâm vẫn không có động thái mua vào cổ phiếu ITA.
Cổ phiếu HKB của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc niêm yết HNX từ năm 2015 nổi tiếng với những nhịp sóng tăng giảm khó lường. Tháng 6/2017, hai thành viên HĐQT là ông Trương Danh Hùng và ông Đỗ Thái Anh đăng ký mua tổng cộng 6 triệu cổ phiếu HKB, tương ứng 11,6% vốn điều lệ. Thông tin này lập tức giúp cổ phiếu HKB có vài phiên tăng từ 4.100 đồng lên sát vùng 5.200 đồng/cp, tăng 30%. Hết thời hạn đăng ký giao dịch, cả hai lãnh đạo không mua cổ phiếu nào với nguyên nhân vỏn vẹn “lý do cá nhân”.
Tháng 8/2017, ông Dương Quang Lư đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu không thực hiện với lý do là “ưu tiên nguồn vốn cá nhân hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”. Sau động thái này, cổ phiếu HKB giảm về mức giá 2.100 đồng/cp trong 3 tháng sau đó.
Giá cổ phiếu tăng nóng và "đổ đèo" sau khi lãnh đạo không mua cổ phiếu. Nguồn: VnDirect |
“Nổ” trong xây dựng kế hoạch
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, việc các công ty xây dựng kế hoạch xa vời vẫn là một dấu hỏi lớn cho các cổ đông. Có những doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận “khủng” những thực hiện chưa bằng một nửa.
Năm 2017, CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) xây dựng kế hoạch doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, cổ tức 5%. Công ty dự kiến sẽ bàn giao hơn 8.000 căn nhà ở xã hội và bất động sản cao cấp như bất động sản nghỉ dưỡng (biệt thự và condotel). Đặc biệt, Hoàng Quân còn mở rộng hoạt động bất động sản tại Mỹ. Tuy nhiên, kết thúc năm tài chính, Hoàng Quân báo doanh thu đạt 507 tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, bằng 1/3 mục tiêu.
Với kết quả kinh doanh này, giá cổ phiếu HQC đã giảm giá gần 50% trong vòng một năm.
Diễn biến giá cổ phiếu HQC kể từ tháng 7/2017. Nguồn: VnDirect |
Lãnh đạo hứa chia cổ tức, cổ đông “giành cả thanh xuân” để chờ
Câu chuyện cổ tức của doanh nghiệp luôn được cổ đông quan tâm trong các kì đại hội. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp lâu năm không chia cổ tức cho cổ đông hoặc chậm trả.
CPCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Mã: ACM) chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2,5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 250 đồng) từ ngày 17/6/2016. Tuy nhiên, công ty này liên tục hoãn chia cổ tức 4 lần. Gần đây, công ty điều chỉnh thời gian trả cổ tức đến 2/7/2018. Như vậy, cổ đông Á Cương đã phải chờ cổ tức suốt hai năm nay.
Tương tự, cổ đông CTCP Lilama 45.4 (Mã: L44) cũng mất 6 năm để chờ cổ tức. Ngày 25/6/2015, Lilama 45.4 chốt danh sách chia cổ tức 17% cho năm tài chính 2012 và 2013, ngày chi trả dự kiến 29/7/2015. Thông tin này khiến giá cổ phiếu L44 tăng 50% lên 7.200 đồng/cp.
Giá cổ phiếu L44 tăng mạnh khi doanh nghiệp thông báo trả cổ tức 17% tiền mặt năm 2015. Nguồn: VnDirect |
Tuy nhiên, Lilama 45.4 liên tục lùi thời hạn trả cổ tức 3 lần. Gần đây nhất, công ty dự kiến thanh toán vào 31/12/2018. Kết quả kinh doanh thua lỗ và chậm trễ trả cổ tức đã khiến giá cổ phiếu L44 giảm mạnh và hủy niêm yết trên HNX. Ngày 8/6, L44 giao dịch trên UPCoM với giá 1.400 đồng/cp.
Xem thêm |