'Lãng phí tài sản công còn nguy hiểm hơn tham ô, tham nhũng'
|
Yêu cầu bồi thường thiệt hại
Sáng nay (31/10), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đọc tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Theo đó, dự luật này quy định về vấn đề bồi thường khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Theo đánh giá Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, đây là một luật rất khó, càng khó hơn khi Việt Nam có một số yếu tố đặc thù không giống các nước khác.
Ông lấy ví dụ, ở Việt Nam có khái niệm “tài sản sở hữu toàn dân” do Nhà nước quản lý, trong đó, phần lớn tài nguyên quốc gia do Nhà nước quản lý. Trong tài sản Nhà nước có khu vực kinh tế Nhà nước quy mô rất lớn. Từ đó đặt ra cho dự luật này có những điểm rất phức tạp.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, do chưa tách bạch được chi phí nên có tình trạng một số chi phí từ nguồn ngân sách, một số tài sản công vừa qua lại được sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Do đó, đại biểu đoàn Ninh Thuận, Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, xử lý hành vi gây lãng phí là một trong những nhiệm vụ của dự thảo Luật.
Việc đầu tư không đồng bộ, không hiệu quả như thời gian vừa qua cũng dẫn đến tình trạng tài sản công được sử dụng rất lãng phí. "Mà lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham ô, tham nhũng", ông Cương đánh giá.
Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sẽ bổ sung yêu cầu người gây ra thiệt hại tài sản nhà nước phải bồi thường và bị xử lý kỉ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do quản lý lỏng lẻo, sử dụng không đúng mục đích là một quy định rất tốt. Vì nếu cứ sử dụng và quản lý không tốt tài sản mà không ai phải chịu trách nhiệm cả thì chắc chắn dẫn đến tình trạng lãng phí và thất thoát rất nhiều.
Đại biểu này cũng lo ngại, khi trong dự thảo Luật chưa định lượng mức bồi thường cụ thể. Ông cho biết, phải làm rõ cơ chế bối thường, trường hợp nào phải bồi thường, bồi thường ở mức độ nào và giải quyết việc bổi thường đó ra sao.
"Không nên tách bạch chi phí khoán với lương"
Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả tài sản công và tránh lãng phí, luật đã bổ sung một số quy định mới. Trong đó, sau khi Luật đưa vào thực thi, các tài sản công sẽ được trang bị theo thứ tự ưu tiên khoán kinh phí, thuê tài sản sau đó mới là mua sắm, đầu tư xây dựng.
Khoán kinh phí là phương thức ưu tiên khi có nhu cầu về tài sản công. Ngoài khoán xe công, tiến tới dự thảo Luật sẽ điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác cũng sẽ áp dụng hình thức khoán.
Nhưng cũng theo ông Nghĩa, nếu không giải quyết đồng bộ, cũng có một số người phải sử dụng một phần lương của mình để trang trải cho công việc.
Ông Nghĩa cho rằng, để giải quyết cơ bản chi phí cho các cá nhân là cán bộ công chức thì phải giải quyết đồng bộ với cơ cấu tiền lương, thu nhập cho hợp lý. Trong cơ cấu tiền lương đã tính đến tất cả các chi phí về nhà ở, đi lại, điện thoại...
"Khi đó, cán bộ thuê nhà với 100m2 hay 50m2 là quyền cá nhân họ. Như vậy, không có vấn đề nhà công vụ, cũng không có xe công vụ. Các Bộ trưởng, Thứ trưởng, công chức… đều có xe riêng, nếu không thì đi bus, tàu điện ngầm, đi các phương tiện công cộng khác", Luật sư Trương Trọng Nghĩa ví dụ.
Ông cho rằng, việc khoán sử dụng tài sản công nên đặt trong một dự án Luật khác rộng hơn. Để tránh trường hợp lương 10 triệu trong khi chi phí cho công việc lên tới 30 triệu. Nên phải tính toán lại, ở chỗ, lương để sử dụng cho cá nhân, trong đó có một phần dành cho đi lại, học hành…
Cả đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Sỹ Cương đều cho rằng, dự luật có những điểm mới nhưng chưa hoàn thiện, cần phải sửa đổi và bổ sung nhiều cũng như tiếp tục lắng nghe đóng góp của Quốc hội.