|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Lãng phí vô hình, sợ trách nhiệm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển

15:55 | 31/10/2022
Chia sẻ
Theo ĐBQH Trần Hữu Hậu, sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. Lãng phí vô hình sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy.

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, 

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, trong một số trường hợp còn lớn ảnh hưởng đến sự phát triển.

"Sự lãng phí hữu hình đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí vô hình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển", Đại biểu Hậu nói.

Đại biểu phân tích, lãng phí vô hình sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy. Những câu chuyện về việc không thể tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Đại biểu cho rằng, trong những trường hợp này, tinh thần trách nhiệm, do nhiều nguyên nhân, đã không được phát huy đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần có sự lưu tâm xứng đáng cho những lãng phí vô hình này.

Đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh (Ảnh: Quốc hội).

Nhiều công trình cần thiết, nên làm bằng kinh phí chi thường xuyên để tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí,... nhưng quy trình thủ tục nhiêu khê, tốn kém công sức, thời gian. Khi dùng nguồn chi thường xuyên, họ biết làm như vậy là phù hợp, là hiệu quả nhưng nơm nớp lo bị kiểm điểm, đại biểu Hậu nêu vấn đề.

Nhiều trường hợp, các cơ quan phải tốn không ít thời gian và trí tuệ chỉ để tìm cho ra một cái tên của dự án sao cho "phù hợp quy định và tránh sự chú ý của cơ quan kiểm toá. Đại biểu Hậu nhấn mạnh đây là việc "không ai muốn làm" và việc này đang diễn ra ở nhiều nơi trong mỗi kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm.

Thực tế vướng mắc này từng được các đại biểu nêu tại kỳ họp thứ 3 (hồi tháng 6), nhưng tới nay chưa được giải quyết. Sau kỳ họp này, Bộ Tài chính đã soạn thảo tờ trình về nghị quyết về Bổ sung quy định về việc sử dung kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm.

Đây là văn bản nhằm khắc phục những bất cập trong triển khai thực hiện vấn đề liên quan trong khi chưa sửa được Luật Đầu tư công. Nếu nghị quyết này được ban hành sẽ là sự tháo gỡ lớn cho hàng trăm quận huyện của 63 tỉnh thành và nhiều bộ ngành.

"Nhưng gần nửa kỳ họp trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì, tôi hỏi một vị có trách nhiệm trong Bộ Tài chính thì được biết là chưa xong", đại biểu Hậu nói.

Hiện nay, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, tuy nhiên, các quy định về sử dụng nguồn đầu tư công còn bất cập, làm phát sinh nhiều chi phí về thời gian, thủ tục.

Đại biểu kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm trình hồ sơ Nghị quyết bổ sung quy định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm nhằm khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa Luật Đầu tư công. 

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thì nêu vấn đề về việc lãng phí đất đai trong những dự án treo. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tháng 10 năm 2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành.

Đại biểu cho rằng, từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn, như: kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hạ An

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.