|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều tỉnh 'sa lầy' nợ xây dựng nông thôn mới lên tới gần 1.000 tỷ

18:34 | 04/11/2016
Chia sẻ
Chỉ sau 9 tháng, từ cuối năm 2015 đến tháng 10/2016, số xã đạt nông thôn mới tăng lên bất thường từ 17,1% lên tới 23%, liệu có việc chạy theo thành tích ở đây không, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương  đặt ra nghi vấn.
nhieu tinh sa lay no xay dung nong thon moi len toi gan 1000 ty
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: quochoi.vn

Trong phiên thảo luận tại nghị trường ngày 4/11, thảo luận về tình hình xây dựng nông thôn mới, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đoàn Ninh Thuận đặt ra nghi vấn về việc chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới.

Ông cho biết, theo báo cáo, đến năm 2015, số xã đạt nông thôn mới là 17,1%. "Tuy nhiên, chỉ sau hơn 9 tháng, đến tháng 10/2016, con số tăng lên bất thường là 23%, liệu có việc chạy theo thành tích ở đây không", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đoàn Ninh Thuận đặt ra nghi vấn. Ông Cương cho rằng, nhiều địa phương chỉ chú trọng các tiêu chí nông thôn mới liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đến phát triển sản xuất và nâng cao mức sống cũng như thu nhập của bà con nông dân.

Cùng chung quan điểm, đại biểu tỉnh Nam Định, Trương Anh Tuấn cho rằng, biểu hiện rõ ràng của chạy theo thành tích là huy động quá sức dân, đánh giá kết quả thực hiện không sát các tiêu chí. Có tình trạng công nhận xã nông thôn mới nhưng cho nợ tiêu chí. Có xã được công nhận nông thôn mới nhưng lại trở thành con nợ lớn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình bày tỏ quan điểm nhiều xã chạy theo thành tích xây dựng nông thôn mới, huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và cả những hộ chính sách.

Trong đó có nhiều tỉnh "sa lầy" trong nợ đọng xây dựng nông thôn mới vì khoản nợ lên tới gần 1000 tỷ. Chủ yếu tập trung tại các công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, ông Nguyễn Sỹ Cương cho biết.

Để hạn chế tình trạng chạy theo thành tích, ở tỉnh Nam Định hiện nay, khi xét công nhận nông thôn mới có bổ sung thêm tiêu chí phụ là nợ xây dựng cơ bản không vượt quá 3 tỷ, phải có phương án trả nợ khả thi, đại biểu Tuấn cung cấp thêm thông tin.

"Mổ xẻ" nguyên nhân, đại biểu Cương cho rằng, có hiện tượng thiếu minh bạch trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể đã có những sai phạm như xé lẻ gói thầu thành gói thầu nhỏ để tránh chuyện đấu thầu, hoặc báo giá trong hồ sơ dự thầu cao hơn rất nhiều so với thực tế. "Cuối tuần vừa rồi tôi có về thăm gia đình một người bạn cách Hà Nội khoảng 20km, một người dân phản ánh xây hố chứa rác trong các thôn tốn gần 1 tỷ đồng, trong khi đó người dân nói chỉ cần 200 triệu đã tốt rồi", ông Cương kể một ví dụ thực tế. Ngoài ra, một số trạm y tế đầu tư thiết bị trị giá gần 500 triệu đồng, nhưng vẫn thiếu đồng bộ nên vẫn nằm bất động.

Ông Cương cũng nêu thêm một ví dụ nhỏ nữa trong việc lãng phí đó là khi đi qua những nơi được công nhận nông thôn mới không hiểu vì sao nhiều pano, khẩu hiệu đến thế. Ở một số địa phương dọc quốc lộ, tỉnh lộ, khẩu hiệu hộp cứng viền nhôm đặt san sát nhiều cây số. "Kinh phí để thực hiện công việc này nếu không lấy từ ngân sách thì cũng lấy tiền của người dân", ông nói.

Thái Hoàng