Làng lúa đổi đời nhờ nghề... may đồ lót
Trồng cây thuốc quý: Cả làng đổi đời, mua két cất tiền |
Chị Chen Haili bên chiếc áo ngủ vừa may xong. (Ảnh: SCMP) |
Trong một xưởng may cách làng Tiaohe một cánh đồng lúa mỳ chị Geng Juan ghép một miếng vải hình tam giác nhỏ vào sợi dây dài màu đen rồi chạy qua máy khâu.
Sau đó chị may đầu của sợi dây vào góc miếng vải hình tam giác, làm thêm vài bước nữa rồi đặt nó lên đống áo lót trên bàn.
“Cái này trông hơi kinh. Nhưng chiếc áo lụa màu hồng tôi may sáng nay rất đẹp”, chị Geng nói.
Những người dân làng như chị Geng mỗi ngày có thể may 2.000 chiếc quần áo lót và đang là những người làm nên sự thay đổi ở huyện Guanyun để nơi này chuyển mình từ một vùng nông nghiệp thành trung tâm sản xuất đồ lót lớn nhất Trung Quốc.
Ngành công nghiệp trị giá 3 tỷ nhân dân tệ này đang cung cấp hàng hóa cho hơn 500 nhà sản xuất và phục vụ nhu cầu không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
Ngày nay, Guanyn đáp ứng hơn 60% các sản phẩm đồ lót bán trên mạng ở Trung Quốc và cung cấp cho các nhà bán lẻ ở Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.
“Các sản phẩm của chúng tôi được bán mọi nơi và đôi khi còn được các minh tinh mặc”, anh Lei Congrui, Tổng giám đốc của Midnight Charm, một nhà sản xuất đồ lót lớn ở khu vực, cho biết.
Để được như ngày nay, Guanyn đã đi được một chặng đường dài từ chỗ chỉ là một huyện nghèo khó mà ở đó thanh niên thường bỏ đi tìm việc làm ở những thành phố giàu có như Thượng Hải, Nam Kinh và Tô Châu. Hồi nơi này chỉ có nghề nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thực tế chỉ khoảng 9000 nhân dân tệ (khoảng 32 triệu đồng) mỗi năm.
Quá trình chuyển đổi bắt đầu từ khi một số người nhận ra cơ hội trên thị trường.
Li Jiabao, người sáng lập công ty Yiji Trading, là một trong những người sớm bước chân vào ngành này.
Năm 2009, khi Li vẫn đang chật vật với nghề sản xuất đồ chơi, vất vả đòi tiền từ các nhà bán lẻ thì một khách hàng khỏi ông là có thể sản xuất đồ lót hay không.
Li quyết định thử nghề mới, đi lùng mua nguyên liệu ở các chợ bán buôn rồi thuê thợ may làm sản phẩm. Li luôn giao hàng đúng hẹn và công việc kinh doanh của anh cất cánh từ đó.
Li tính 10 tệ cho mỗi sản phẩm, với một nửa là lợi nhuận. Và khi đơn đặt hàng tăng liên tục, anh phải vắt chân lên cổ mới đáp ứng được nhu cầu.
Đến cuối năm đó, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến từng doanh nghiệp, số tiền trong tài khoản ngân hàng của Li đã rất lớn. “Lần đầu tiên tôi có 300.000 tệ và tôi biết có thể làm giàu từ ngành này”, anh nói.
Anh mua một tòa nhà 4 tầng làm văn phòng, nhà xưởng và kho, rồi tuyển rất nhiều nhân viên như chị Geng để họ may sản phẩm.
Công ty của Li chỉ mất khoảng 1 tuần từ lúc nhận được thiết kế đến khi nhận ảnh sản phẩm từ một công ty thiết kế đến khâu sản xuất hàng loạt.
Công ty Yunda Express nhận chuyển 20.000 hộp đồ lót mỗi ngày. (Ảnh: SMCP)
Li sớm đạt được mốc sản xuất hơn 3.000 loại sản phẩm, cung cấp ít nhất 10.000 sản phẩm mỗi ngày cho khoảng 300 nhà bán lẻ trong nước và 50 khách hàng nước ngoài.
Anh Lei ở công ty Midnight Charm cũng là một trong những người tiên phong.
Năm 2009, anh mở một cửa hàng trực tuyến và một nhà xưởng khi mới đang học năm thứ nhất của trường luật. Lei bắt đầu bằng cách bắt chước các mẫu phổ biến trên mạng, bao gồm cả thiết kế của những thương hiệu quốc tế, sau đó tiến đến giai đoạn đầu tư toàn bộ thời gian cho công việc này.
Năm nay mới 27 tuổi, Lei cho biết ít nhất 80% đơn hàng của anh, tương đương khoảng 1,5 triệu sản phẩm, được bán ra nước ngoài, một nửa trong số đó bán sang Mỹ.
Không có gì ngạc nhiên khi lợi nhuận lớn từ ngành này thu hút những người khác tham gia vào và Guanyun trở thành trung tâm sản xuất đồ lót, ít ít nhất 50 nhà sản xuất đạt doanh thu mỗi năm hơn 10 triệu nhân dân tệ/doanh nghiệp, ông Lu Xijuan, giám đốc văn phòng thương mại điện tử của huyện, cho biết.
Nhưng dù ngành công nghiệp này mới hình thành ở đây, hầu hết các sản phẩm được làm ra từ các nhà xưởng nhỏ chứ không phải những dây chuyền sản xuất hiện đại.
Li cho biết anh có khoảng 30 xưởng, mỗi xưởng có từ 7-20 thợ may, làm việc từ sáng sớm đến đêm muộn.
Bùng nổ
Trong một nhà xưởng, chị Geng làm việc 16 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, và được trả khoảng 20 nghìn đồng cho mỗi chiếc áo lót chị làm ra.
Geng đã làm công việc này được 2 năm và có thể kiếm trung bình hơn 14 triệu đồng mỗi tháng. “Đương nhiên tôi lúc nào cũng thấy mệt và mỏi cổ, nhưng tôi đến đây để kiếm tiền chứ không phải để vui chơi”, chị Geng nói.
Người phụ nữ 30 tuổi này cho biết chị cần tiền vì gia đình chị vừa xây một căn nhà 2 tầng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng trong làng và giờ đang phải tiết kiệm tiền để trả nợ.
“Tôi có một con trai. Sẽ không ai chịu lấy nó nếu nó không có một căn nhà ở trung tâm huyện”, chị Geng nói.
Công nhân trong mỗi nhà xưởng như thế này có thể may 2.000 sản phẩm đồ lót mỗi ngày. (Ảnh: SMCP) |
Trong một xưởng may khác, chị Chen Ming, năm nay 30 tuổi, được giao việc may những chiếc áo trong suốt với những sợi dây trông như món mỳ Ý.
Chị Chen đến thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, để làm việc, nhưng quay về làng này từ 2 năm trước để được gần cậu con trai 8 tuổi.
Chen kiếm được hơn 7 triệu đồng mỗi tháng, ít hơn mức lương trước đây chị nhận được, nhưng Chen không muốn làm quá nhiều vì thích dành thời gian cho con.
Đồ lót hiện nay rẻ đến mức ngay cả những sản phẩm có chất lượng tốt nhất cũng chỉ được bán với giá hơn 5 USD cho khách hàng nước ngoài.
“Ngành công nghiệp đồ lót đang bùng nổ và sự cạnh tranh rất lớn”, ông Lu, giám đốc thương mại điện tử của địa phương, cho biết. “Từ quan điểm của chính phủ, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cấp ngành công nghiệp này từ các sản phẩm bình dân lên sản phẩm cao cấp và xây dựng một số thương hiệu lớn”, ông Lu nói.
Quan điểm đó phù hợp với kế hoạch của Bắc Kinh nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nước này trên thị trường toàn cầu bằng cách tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn để giải quyết tình trạng chi phí lao động tăng ở Trung Quốc.