|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Làm to' quyền của cổ đông nhỏ

10:42 | 20/10/2019
Chia sẻ
Việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này được kì vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng mới về bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, từ đó tăng cường niềm tin trong nhà đầu tư, mang lại hiệu ứng mà nhiều quốc gia đã thành công, đó là dịch chuyển dòng vốn tiết kiệm trong dân đưa vào sản xuất - kinh doanh.

Cổ đông nhỏ vẫn bị chèn ép...

Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ thường xuyên bị cổ đông lớn, ban lãnh đạo doanh nghiệp chèn ép dưới nhiều hình thức.

“Là nhà đầu tư, tôi nhận thấy, các cổ đông nhỏ bị chèn ép dưới nhiều hình thức như cổ đông lớn không lắng nghe, không tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cổ đông nhỏ, dù có khả năng mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp; cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp qua mặt cổ đông nhỏ trong các quyết định về sáp nhập doanh nghiệp, phân phối lợi nhuận; lãnh đạo doanh nghiệp không cung cấp thông tin trước các nghi ngờ về sự điều hành bất minh, trục lợi của một số nhân sự chủ chốt tại doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Văn Mạnh, nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ.

Một nhà đầu tư khác, ông Trần Tiến Dũng nhận xét, nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ở Việt Nam không được đối xử công bằng, bình đẳng như thường thấy ở thị trường chứng khoán nhiều nước.

“Tôi có cảm nhận, việc nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp thiếu coi trọng là đương nhiên và bình thường, trong khi đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp, vào thị trường chứng khoán.

Điều đáng nói là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bị chèn ép đủ đường, nhưng bản thân họ cũng như các cơ chế chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng”, ông Dũng nói.

Tình trạng này kéo dài làm tổn thương nhà đầu tư, khiến họ mất niềm tin vào doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp còn hạn chế, người quản lý, điều hành doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, vẫn còn thói làm ăn chộp giật, ỷ quyền cậy thế…

… Dù chính sách và chỉ số bảo vệ nhà đầu tư được cải thiện

Nỗ lực cải thiện khả năng bảo vệ nhà đầu tư của cơ quan hoạch định và thực thi chính sách đã mang lại những bước tiến nhất định trong những năm qua.

Tại hội thảo “Góp ý dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa tổ chức, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trương ương, đại diện cho cơ quan soạn thảo cho biết, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra cải cách đột phá về quy định bảo vệ nhà đầu tư.

Đây không phải là đánh giá chủ quan của Việt Nam, mà là “chấm điểm” của Ngân hàng Thế giới tại Doing business Report 2019. Theo đó, chỉ số về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có sự cải thiện mạnh mẽ, năm 2019 xếp hạng 89/190 quốc gia (so với thứ hạng 117 năm 2014, hạng 169 năm 2013).

Tuy vậy, ông Hiếu nhìn nhận, nếu so sánh thực trạng hiện nay với các quốc gia trong khu vực, thì mức độ bảo vệ nhà đầu tư theo pháp luật Việt Nam còn rất thấp. Chẳng hạn, Indonesia, quốc gia tương đồng nhất, xếp hạng 51; Thái Lan xếp hạng 15; Singapore xếp hạng 7; Malaysia xếp hạng 2 (xem Đồ thị).

'Làm to' quyền của cổ đông nhỏ - Ảnh 1.

Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Nội dung được đánh giá yếu nhất trong số các yếu tố cấu thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư ở Việt Nam là các quy định về trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan (đạt 4/10 điểm), mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty (đạt 2/10 điểm).

Đối chiếu tiêu chí đánh giá này với quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp cho thấy một số bất cập và hạn chế về bảo vệ cổ đông.

Cụ thể, một số quy định về quyền cổ đông chưa phù hợp, khiến cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ khó có thể tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty.

Ví dụ, Khoản 2, Điều 114 và Khoản 4, Điều 149, Luật Doanh nghiệp yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần trong 6 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị.

Yêu cầu, điều kiện này là cao hơn so với thực tế đã dẫn đến khó khăn cho cổ đông, đặc biệt cổ đông mới của công ty thực hiện quyền đề cử.

Bên cạnh đó, các cổ đông chưa thực sự thuận lợi trong khởi kiện người quản lý vi phạm trong điều hành công ty, hoặc ngăn ngừa người quản lý ký kết, thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho công ty.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông nhỏ lẻ hiện không có quyền tiếp cận các thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan, không được quyền tiếp cận các nghị quyết của hội đồng quản trị…

Do không có thông tin như vậy, nên cổ đông khó có thể khởi kiện và càng ít cơ hội khởi kiện thành công người quản lý vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm trong điều hành công ty.

Kỳ vọng đột phá từ Luật Doanh nghiệp sửa đổi

Trước thực trạng “nóng” trên, cải thiện khả năng bảo vệ nhà đầu tư là một trong những “đề bài” trọng tâm trong lần sửa Luật Doanh nghiệp này và nhà đầu tư, giới chuyên gia kỳ vọng sẽ có một cuộc cách mạng mới về bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ.

Tại dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, cơ quan soạn thảo đề xuất, cổ đông sở hữu 1% cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu, so với mức 10% sở hữu trong 6 tháng liên tục hiện nay.

Ý kiến từ nhiều chuyên gia, nhà đầu tư ủng hộ hướng cải cách trên. Nhà đầu tư Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, đề xuất của cơ quan soạn thảo là một bước tiến tích cực trong bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ.

Việc quan ngại thực thi bước cải cách trên sẽ khiến cổ đông vào “phá” công ty là không có cơ sở, vì nếu thực hiện hành vi này, không những họ bị pháp luật trừng trị, mà bản thân họ còn phải gánh chịu những thiệt hại với tư cách là người nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Lê Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng, việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình, mà không phân biệt cổ đông cũ hay mới.

“Tuy nhiên, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% xuống còn 1% có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị, yêu cầu truy xuất thông tin sâu là không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm của cổ đông lớn.

Do vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp hiện hành mới được đề cử người vào hội đồng quản trị”, ông Hoàng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) đồng tình với phương án giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần để tăng quyền tiếp cận các thông tin sâu cho cổ đông, nhưng cho rằng, nếu giảm mạnh từ 10% hiện hành về 1% thì cần cân nhắc kỹ.

Bởi lẽ, trong kinh doanh, đối thủ có thể mua 1% cổ phần để làm khó dễ cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu cho biết: “Khi chúng tôi đưa ra đề xuất mới trên, thì rất nhiều người phản đối, đề nghị giữ nguyên mức như hiện nay. Người ta lo sợ cổ đông vào quấy phá công ty.

Tuy nhiên, nếu muốn tăng cường khả năng quản trị, dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế, thì không thể giữ tư duy cũ.

Ví dụ, ở Nhật Bản, nhà đầu tư chỉ cần sở hữu 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp; ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%.

Chúng tôi thấy mức 1% là hợp lý. Trên cơ sở tiến hành khảo sát hơn 300 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, chúng tôi kết luận rằng, 1% cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết là rất lớn, không ai chịu mạo hiểm quyền lợi của mình liên quan đến 1% cổ phần để quấy phá doanh nghiệp".

"Sửa Luật Doanh nghiệp theo hướng mở rộng phạm vi quyền của cổ đông"

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với các quy định của luật mới ban hành.

Một số quy định của Luật về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí tạo thêm rào cản, bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng, gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông khác.

Do đó, việc xây dựng Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực, quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất - kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi 66 Điều, bãi bỏ 2 Điều, bổ sung 1 Chương và 8 Điều. Về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, sửa đổi quy định về thời hạn góp vốn điều lệ; mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty.


"Đồng vốn nhỏ nhất bỏ vào doanh nghiệp cũng cần được bảo vệ"

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Tôi ủng hộ đề xuất phương án cải cách của cơ quan soạn thảo, vì tin rằng, tỷ lệ 1% là hợp lý, bởi 1% là một tỷ lệ không hề nhỏ đối với một nhà đầu tư, nên bản thân họ phải hành động dựa trên lợi ích của 1% đó.Quản trị công ty ở các nước đề cao quyền của cổ đông. 

Xu hướng ở các nước là làm sao để người dân bỏ vốn vào doanh nghiệp, dù ít nhưng đều được bảo đảm quyền lợi. 

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng, hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty, mới có quyền tiếp cận thông tin hay các quyền khác.

"Giảm về 1% là tốt, giảm hơn càng tốt"

Trần Tiến Dũng, Nhà đầu tư

Trước thực tế quyền và lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ bị xâm phạm khá phổ biến hiện nay, hướng cải cách của cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi là cổ đông sở hữu 1% cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu, so với mức 10% sở hữu trong 6 tháng liên tục theo quy định hiện hành là một bước tiến lớn.

Tuy nhiên, bản chất hoạt động của công ty cổ phần là công ty đa sở hữu, đòi hỏi tính minh bạch cao nếu muốn huy động được đa dạng các nguồn vốn để đưa vào sản xuất - kinh doanh. Do đó, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu giảm tỷ lệ xuống dưới mức 1%, vì dù cổ đông sở hữu 1 cổ phần thì họ vẫn là đồng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Mặt khác, ngay cả với các đối tác không phải là cổ đông, thì doanh nghiệp cũng cần thể hiện thiện chí minh bạch thông tin, việc này sẽ mở rộng được đối tác và các cơ hội phát triển. Minh bạch phải là việc làm thường xuyên của doanh nghiệp, chứ không phải khi cổ đông đòi hỏi, chất vấn mới công khai, minh bạch thông tin.

Nguyễn Hữu