Làm thế nào để ổn định giá trị đồng tiền?
UBCK đã quy đổi giá trị đồng tiền trước khi chia nhỏ bước giá |
Tỷ giá hối đoái vẫn đang biến động tương đối mạnh. Ảnh: Thành Hoa |
Cán cân thặng dư và khoản mục Lỗi và sai sót
Thông thường cán cân thanh toán của một quốc gia bao gồm hai khoản mục chính: cán cân vãng lai và cán cân vốn. Trong cán cân vãng lai có cán cân thương mại (xuất nhập khẩu); các khoản chuyển tiền như kiều hối chuyển về Việt Nam, tiền của dân chuyển ra nước ngoài (du học, du lịch, chữa bệnh, thừa kế, định cư...); dịch vụ (dịch vụ nước ngoài cung ứng vào Việt Nam thì doanh nghiệp Việt chi trả, còn dịch vụ của ta cung ứng ra nước ngoài thì nước ngoài trả cho doanh nghiệp trong nước). Khoảng 80-90% cán cân vãng lai là phụ thuộc vào cán cân thương mại. Nếu cán cân thương mại thặng dư thì gần như chắc chắn cán cân vãng lai thặng dư và ngược lại.
Cơ cấu của cán cân vốn gồm: chênh lệch giữa đầu tư trực tiếp vào và ra ; đầu tư gián tiếp như tiền nước ngoài giải ngân vào chứng khoán, trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp; những khoản vay nước ngoài kể cả viện trợ ODA nếu có...
Về bản chất nếu không có biến động thì cán cân thanh toán năm nay có thể thặng dư 8-9 tỷ đô la Mỹ như dự báo của NHNN. Dẫu vậy trong cán cân thanh toán, kỳ nào cũng có khoản mục Lỗi và sai sót. Khoản mục này xuất hiện vì nhiều lý do. Về khách quan có thể trong quá trình thống kê có sai sót kỹ thuật liên quan đến phương pháp thống kê. Về chủ quan có thể phát sinh chi phí trong lĩnh vực nào đó.
Theo trang web của NHNN, trong cán cân thanh toán của quý II/2018, khoản mục Lỗi và sai sót lên đến 4,998 tỷ đô la Mỹ - con số không hề nhỏ.
Khi cán cân thanh toán thặng dư và khoản mục Lỗi và sai sót hiện diện thì mức thặng dư của cán cân thanh toán có thể giảm đi. Chênh lệch dương giữa thặng dư cán cân thanh toán và khoản mục ấy tạo ra cơ hội để NHNN mua vào ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên chênh lệch dương là một chuyện, mua được ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn cán cân thương mại thặng dư nhưng nếu nhà xuất khẩu không bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng, thì NHNN cũng không mua được. Chỉ khi doanh nghiệp bán thặng dư thương mại cho NHNN thì chúng ta mới hạch toán được vào dự trữ ngoại hối.
Thực tế diễn biến tỷ giá mười năm qua chỉ ra việc mua vào ngoại tệ của nhà điều hành không chỉ phụ thuộc vào thặng dư của cán cân thanh toán, mà còn nhìn vào thái độ ứng xử của doanh nghiệp và điều kiện thị trường.
Có thời điểm cán cân thanh toán thặng dư nhưng NHNN không mua được ngoại tệ. Nhiều lúc cán cân thanh toán thâm hụt (âm) mà cơ quan quản lý vẫn mua được ngoại tệ. Sở dĩ như thế là do (giả sử) kỳ này nhập siêu, nhưng mấy năm trước các nhà xuất khẩu có thặng dư, họ để ngoại tệ trên tài khoản. Nay tỷ giá biến động, có lợi, họ có thể mang ngoại tệ ra bán. Thành ra mới có chuyện cả nước xuất siêu mà NHNN không mua được ngoại tệ, nhưng nhập siêu lại mua được.
Ổn định giá trị tiền đồng như thế nào?
Thị trường tài chính quốc tế đang chứng kiến những biến động nhanh. Kỳ vọng về mức lạm phát 2,8% năm nay của Mỹ đang tăng khi tỷ lệ thất nghiệp tụt xuống 3,9%, mức lương bình quân ở Mỹ lên 27,05 đô la Mỹ/giờ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 tới. Lãi suất lên nhanh kéo chi phí của nền kinh tế Mỹ tăng theo. Bên cạnh đó, việc đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc cũng làm giá cả hàng hóa ở Mỹ đội lên, càng tác động đến lạm phát khiến cho Fed buộc phải nâng lãi suất nhanh và mạnh.
Ở Việt Nam mấy năm vừa qua lạm phát thấp, song lãi suất chỉ được kéo xuống ở một mức độ tương đối vì nỗi ám ảnh tỷ giá. Chúng ta đã luôn bị tỷ giá ám ảnh. Đương nhiên chúng ta không thể để đồng nội tệ mất giá 10-15%/năm như các thị trường cận biên, vậy tiền đồng mất giá khoảng 3-4%/năm so với đô la Mỹ có được không?
Tỷ giá suy cho cùng phải phản ánh lạm phát vào trong nó. Trong 10 năm qua, lạm phát của Việt Nam tới 80%, nhưng tỷ giá điều chỉnh chưa tới 40%.
Một trong những nhiệm vụ của NHNN là bảo vệ giá trị tiền đồng. Giá trị tiền đồng ở mức nào là hợp lý và được thị trường chấp nhận? Trong quá khứ, cách điều hành tỷ giá đã từng phải trả giá bằng những cú sốc 9-10%, giật cục và khiến thị trường mất niềm tin như năm 2011. Nói thế để thấy ổn định giá trị đồng tiền không phải là ổn định tỷ giá. Hơn nữa, tỷ giá hối đoái hiện được xác định trên sự tương quan với nhiều đồng tiền (8 đồng ngoại tệ), làm sao có thể ổn định một mối tương quan như vậy khi các ngoại tệ khác luôn thay đổi và có tương tác chéo lẫn nhau? Ổn định giá trị đồng tiền là ổn định sức mua của nó trên lãnh thổ Việt Nam thông qua lạm phát. Thí dụ hiện giá một ký gạo là 20.000 đồng, sang năm giá của nó sẽ là 21.000 đồng, năm sau nữa là 22.000 đồng tùy theo mức độ lạm phát.
Chúng ta không cổ vũ cho một tỷ giá biến động quá lớn bởi như vậy sẽ tạo ra sự tháo chạy của dòng vốn FII và FDI. Sự biến động tỷ giá phải đảm bảo mức độ sinh lời trên các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên với cơ chế tỷ giá trung tâm, thị trường chỉ có thể nhìn vào một yếu tố duy nhất, ngoài ra không có một công cụ nào khác để đo lường mức kỳ vọng tỷ giá của thị trường.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/