|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Làm rõ năng lực tài chính của công ty mẹ khi thành lập Vietravel Airlines

15:24 | 28/10/2020
Chia sẻ
Tối 27/10, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn liên quan đến vấn đề làm rõ năng lực tài chính của Công ty mẹ - CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông (Công ty Vietravel) khi góp vốn vào hãng bay Vietravel Airlines.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam thực hiện vấn đề này bởi Cục Hàng không Việt Nam hiện là cơ quan tiếp nhận và tổng hợp Hồ sơ dự án thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines.

Làm rõ năng lực tài chính của công ty mẹ khi thành lập Vietravel Airlines - Ảnh 1.

Cục Hàng không Việt Nam nỗ lực làm rõ năng lực tài chính của Vietravel. (Ảnh minh họa: Freespira).

Mặc dù ngày 27/10 là hạn cuối để Vietravel giải trình vấn đề này, nhưng đây cũng là mốc thời gian gấp nên Cục Hàng không Việt Nam đang phải nỗ lực để làm rõ vấn đề trên nhằm kịp thời báo cáo Văn phòng Chính phủ trước 31/10/2020.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng cho hay, do ông bận họp nên chưa nắm được văn bản giải trình vấn đề tài chính của Vietravel đã về đến Bộ ngày hôm nay hay chưa.

Trước đó Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn số 10666/BGTVT - VT gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu đơn vị này chỉ đạo Công ty Vietravel, Vietravel Airlines tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ Tài chính (Công văn 12042/BTC-TCDN ngày 1/10/ 2020) về việc làm rõ năng lực tài chính của Công ty Vietravel trong việc bảo đảm mức vốn tối thiểu theo qui định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines.

Trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình của Công ty Vietravel và Vietravel Airlines, Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và đề xuất thời điểm cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Công ty Vietravel, Vietravel Airlines có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải. 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan (đặc biệt là Bộ Công an) để đảm bảo an ninh, an toàn hàng không trong quá trình hoạt động. 

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 27/10/2020.

Tại Công văn 12042/BTC-TCDN ngày 1/10/ 2020, Bộ Tài chính đã nêu quan ngại về năng lực tài chính của Vietravel khi tham gia góp vốn vào Vietravel Airlines.

Dẫn báo báo cáo tài chính quí III/2019 và báo cáo tài chính quí II/2020 của Công ty Vietravel (là doanh nghiệp được niêm yết cổ phiếu trên thị trường UPCoM và công khai báo cáo tài chính) Bộ Tài chính cho rằng, nguồn vốn Công ty Vietravel đầu tư góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi trong thời hạn hai năm có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines và được mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Qua rà soát báo cáo tài chính quí II/2020 của Công ty mẹ Vietravel, Bộ Tài chính nhận thấy một số chỉ tiêu về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 30/6/2020 cần phải chú ý.

Cụ thể, tổng nợ phải trả của Vietravel là 1.578 tỉ đồng gồm: nợ phải trả ngắn hạn là 862 tỉ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỉ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cộng dài hạn là 942 tỉ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vietravel hiện lên tới 10,8 lần, trong khi hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần. Lợi nhuận trước thuế là 65 tỉ đồng.

Với các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trong các năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như 6 tháng đầu năm 2020, Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. 

Nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỉ đồng được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines và bị phong tỏa tại ngân hàng có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại VPBank sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 9/2021, đồng thời trong phương án dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác (năm 2021).

Liên quan đến việc cấp phép giấy phép vận chuyển hàng không, ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1399/TTg - CN về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Vietravel Airlines.

Cụ thể, Thủ tướng đồng ý Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines theo qui định tại Điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải được giao tiếp thu ý kiến các bộ tại các văn bản nêu trên, làm rõ năng lực tài chính của doanh nghiệp để bảo đảm mức vốn tối thiểu theo qui định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines, trên cơ sở đó quyết định thời điểm và thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines trên cơ sở thẩm định các điều kiện theo đúng qui định pháp luật, phù hợp với bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả hoạt động vận chuyển của ngành hàng không nói chung, bảo đảm an ninh và an toàn hàng không, quốc phòng và an ninh quốc gia trong mọi tình huống.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự án vận tải hàng không lữ hành (Vietravel Airlines) có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay với chủng loại Airbus/ Boeing hoặc tương đương. 

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 700 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 100% vốn đầu tư. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện dự án tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Quang Toàn