|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietravel dự kiến lỗ gần 23 tỉ đồng vì COVID-19, hãng bay Vietravel Airlines sẽ ra sao trong năm nay?

11:10 | 09/07/2020
Chia sẻ
Vietravel đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 giảm hơn một nửa so với năm 2019, còn 3.065 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỉ đồng do khủng hoảng COVID-19.

Kế hoạch lỗ 22 tỉ đồng vì COVID-19

Theo kế hoạch kinh doanh đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel - Mã: VTR) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay giảm mạnh do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Vietravel dự kiến doanh thu đạt 3.065 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế âm gần 23 tỉ đồng. Năm 2019, doanh thu của "ông lớn" trong ngành du lịch lữ hành này lên đến 7.432 tỉ, lợi nhuận trước thuế hơn 60 tỉ đồng.

Vietravel đặt mục tiêu lỗ 22 tỉ đồng vì COVID-19, hãng bay Vietravel Airlines sẽ ra sao trong năm nay? - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2015-KH2020 của Vietravel. Đồ hoạ: Phúc Minh.

Tình hình kinh doanh ảm đạm của Vietravel đã phản ánh ngay trong báo cáo tài chính hợp nhất quí I/2020, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 44% so với cùng kì năm ngoái, chỉ còn 789 tỉ đồng.

Trong đó, doanh thu du lịch lữ hành luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Vietravel nhưng 3 tháng đầu năm, mảng kinh doanh này giảm 47%, chỉ đạt 608 tỉ đồng. Doanh thu từ bán vé máy bay giảm 33%, còn 155 tỉ đồng.

Dù chủ động cắt giảm mạnh chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp nhưng quí I/2020, Vietravel lỗ trước thuế 38 tỉ đồng.

Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho hay dưới tác động của đại dịch COVID-19, toàn bộ chuỗi giá trị du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, cùng với các hãng hàng không, du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi không thể khai thác các chuyến bay, các biện pháp giãn cách xã hội làm hạn chế đáng kể chuyến du lịch và công tác.

Tổ chức Du lịch thế giới ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 60-80% trong năm 2020.

Tương ứng kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nước, Vietravel cho rằng ngành du lịch sẽ phục hồi sớm nhất là khoảng quý III/2020, đây là khoảng thời gian kích cầu lại thị trường.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, Việt Nam hiện có tỉ trọng lớn về nguồn khách nội địa, chiếm khoảng 82% tổng lượt khách. Cùng với các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, đây được xem là yếu tố có lợi cho du lịch Việt sau khi dịch kết thúc.

"Nhiều quốc gia trên thế giới đang có động thái mở cửa lại sau lịch nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ nhất, theo đó dự báo visa các quốc gia Đông Bắc Á sẽ được cấp lại vào quí III, các đường bay đến Đông Nam Á cũng sẽ sớm mở lại trong quí này", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.

Hàng hàng không Vietravel Airlines sẽ ra sao trong năm nay?

Theo kế hoạch, trong quý III Vietravel sẽ tiến hành phát hành trái phiếu không chuyển đổi. Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng, thời hạn 36 tháng, lãi suất dự kiến 11% và trả lãi 3 tháng một lần. Số lượng phát hành tối đa 200 tỉ đồng.

Năm 2019, Vietravel cũng từng phát hành thành công 700 tỉ trái phiếu cho dự án hàng không Vietravel Airlines. 

Đầu tháng 5/2020, Vietravel cũng đã tổ chức triển khai quyết định của Thủ tướng, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hàng không Vietravel Airlines. 

Vietravel đặt mục tiêu lỗ 22 tỉ đồng vì COVID-19, hãng bay Vietravel Airlines sẽ ra sao trong năm nay? - Ảnh 2.

Tháng 5/2020, Vietravel đã tổ chức triển khai quyết định của Thủ tướng, về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hàng không Vietravel Airlines. Ảnh: VTR.

Tổng giám đốc Vietravel Airlines cho biết sẽ dồn lực hoàn thiện Giấy phép vận chuyển hàng không và Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay, để đủ điều kiện cất cánh vào nửa đầu năm 2021, khi ngành hàng không được phục hồi sau COVID-19.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, đề cập loạt giải pháp và nhiệm vụ thực hiện trong năm nay, ông Nguyễn Quốc Kỳ đã nhắc nhiều đến lĩnh vực mới hàng không.

Cụ thể, nhiệm vụ của Vietravel năm nay là chuyển đổi mô hình hoạt động công ty theo hình thức tập đoàn trong đó, tách các mảng lữ hành, hàng không, thương mại vận hành theo tổ chức cơ cấu riêng, mục tiêu, chỉ tiêu riêng nhằm tạo sức mạnh và tính liên kết cho hệ sinh thái kinh doanh.

Triển khai nhanh hoạt động các mảng kinh doanh trọng yếu trong chuỗi liên kết dịch vụ, có hàng không nhằm tạo bước đột phá lớn trong hoạt động kinh doanh toàn hệ thống. 

"Trọng tâm kinh doanh chính là lĩnh vực vận tải hàng không và hệ sinh thái hàng không bao gồm kinh doanh vận tải hành khách, ticket, đào tạo phi công, tiếp viên, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại mặt đất…", Tổng giám đốc Vietravel cho biết.

Ban lãnh đạo Vietravel cũng chỉ rõ lĩnh vực lữ hành được xem là mảng bổ trợ chính cho hàng không trong khai thách khách du lịch. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ là mảng bổ trợ cho lĩnh vực hàng không và lữ hành.

Trước đó, đầu tháng 4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kí Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng.

Hãng bay của Vietravel đặt trụ sở chính tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế), mục tiêu cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không và phát triển ngành du lịch lữ hành.

Theo kế hoạch, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần theo yêu cầu của thị trường và trong quy mô cho phép của cơ quan chức năng với chủng loại máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương. Hãng đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên cất cánh.

Phúc Minh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.