|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Worldsteel: Ba quả tạ đè nặng nhu cầu thép năm 2022, Trung Quốc khó vắng mặt

10:19 | 19/04/2022
Chia sẻ
Worldsteel cho rằng lạm phát, rủi ro dịch COVID-19 và căng thẳng Nga - Ukraine sẽ làm lu mờ triển vọng ngành thép năm 2022. Theo đó, nhu cầu thép chỉ nhích 0,4% vào năm 2022 lên 1,84 tỷ tấn sau khi tăng 2,7% vào năm 2021.

Ba gánh nặng cho thị trường thép 

Mới đây, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) đã công bố triển vọng thị trường thép trong năm 2022 và 2023. 

Theo đó, Worldsteel dự báo nhu cầu thép năm 2022 sẽ nhích 0,4% lên 1,84 tỷ tấn, sau khi tăng 2,7% vào năm 2021. Vào năm 2023, nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng 2,2% để đạt 1,88 tỷ tấn. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine và thị trường có nhiều biến động. 

Bình luận về triển vọng ngành thép, ông Máximo Vedoya, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Worldsteel cho biết: “Dự báo ngắn hạn này được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế và người dân đang chịu tác động của căng thẳng Nga - Ukraine. Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc chiến này kết thúc trong hòa bình càng nhanh càng tốt”.

Vào năm 2021, ngành thép ở nhiều khu vực đã phục hồi tốt hơn dự kiến, bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng và làn sóng COVID-19 vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, sự giảm tốc mạnh hơn dự đoán ở Trung Quốc khiến nhu cầu thép toàn cầu tăng trưởng thấp hơn trong năm 2021.

“Đối với năm 2022 và 2023, triển vọng ngành thép không chắc chắn. Và kỳ vọng thị trường thép phục hồi và duy trì ổn định sau đại dịch đã bị lung lay bởi chiến sự Nga - Ukraine và lạm phát gia tăng”, ông Máximo Vedoya cho biết.

Worldsteel cho rằng mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine với từng khu vực sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ giao thương và tiếp xúc tài chính trực tiếp với hai quốc gia này.

Rõ ràng, căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng trực tiếp đến những nước tham chiến, Ukraine bị tàn phá nặng nề, còn Nga cũng phải gánh nhiều hậu quả và các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, những nước châu Âu cũng chịu tác động lớn vì phụ thuộc năng lượng của Nga và có vị trí địa lý gần với khu vực xung đột.

Ngoài ra, các quốc gia khác trên toàn cầu cũng cảm nhận được tác động của chiến sự thông qua giá năng lượng và hàng hóa phi mã, đặc biệt là nguyên liệu thô để sản xuất thép và sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, vốn đã gây khó khăn cho ngành thép toàn cầu ngay cả trước chiến tranh.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị này cũng khiến thị trường tài chính biến động và rủi ro gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.

Nhu cầu thép năm 2022 dự kiến đạt 1,84 tỷ tấn; năm 2023 đạt 1,88 tỷ tấn (Ảnh: Reuters) 

Thị trường thép có thêm rủi ro khi số ca nhiễm COVID-19 ở một số nơi trên thế giới gia tăng, đặc biệt là Trung Quốc, và lãi suất tăng. Việc thắt chặt các chính sách tiền tệ của Mỹ dự kiến ​​sẽ làm tổn thương các nền kinh tế mới nổi.

Liên quan đến triển vọng ngành thép năm 2023, Worldsteel nói đặc biệt khó đoán bởi cho dù cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine có thể kết thúc vào cuối năm 2022, phần lớn lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ vẫn còn.

Ngoài ra, Worldsteel nhận định tình hình địa chính trị xung quanh Ukraine sẽ gây ra những tác động lâu dài đối với ngành thép toàn cầu.

Trong đó có thể kể đến khả năng điều chỉnh lại các dòng chảy thương mại toàn cầu, sự thay đổi trong thương mại năng lượng và tác động đến quá trình chuyển đổi năng lượng và cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc

Worlsteel cho biết năm 2021, nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh vì các biện pháp cứng rắn của chính phủ nước này với các nhà phát triển bất động sản.

Nhu cầu thép trong năm 2022 dự kiến sẽ đi ngang do chính phủ Trung Quốc đang cùng lúc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và ổn định thị trường bất động sản.

Song, Worldsteel cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2022 có khả năng sẽ hỗ trợ nhu cầu thép tăng trưởng dương trong năm 2023.

Các nền kinh tế phát triển

Bất chấp làn sóng lây nhiễm COVID-19 và những hạn chế trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực chế tạo, nhu cầu thép ở các nền kinh tế phát triển phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đặc biệt ở EU và Mỹ.

Tuy nhiên, triển vọng cho năm 2022 đã yếu đi do áp lực lạm phát, điều này càng được củng cố bởi các sự kiện tại Ukraine.

Tác động của cuộc chiến sẽ đặc biệt rõ rệt ở châu Âu do các nước này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Nhu cầu thép ở các nước phát triển được dự báo sẽ tăng lần lượt 1,1% và 2,4% vào năm 2022 và 2023, sau khi phục hồi 16,5% vào năm 2021.

Các nền kinh tế đang phát triển 

Tại các nền kinh tế đang phát triển, sự phục hồi của ngành thép sau đại dịch sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn bởi tác động của dịch COVID-19 và lạm phát gia tăng. Điều này đã thúc đẩy chu kỳ thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế mới nổi.

Sau khi giảm 7,7% vào năm 2020, nhu cầu thép ở các nước đang phát triển ngoại trừ Trung Quốc đã tăng 10,7% vào năm 2021, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó.

Trong năm 2022 và 2023, các nền kinh tế mới nổi này sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn từ môi trường bên ngoài, chiến sự Nga - Ukraine và quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ.

Điều này dẫn đến ngành thép được dự báo chỉ tăng nhẹ 0,5% vào năm 2022 và 4,5% vào năm 2023.

Những lĩnh vực sử dụng thép

Năm ngoái, nhu cầu thép trong lĩnh vực xây dựng toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ để đạt mức tăng trưởng kỷ lục 3,4%, bất chấp sự suy giảm ở Trung Quốc. 

Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi hoạt động đầu tư công – một phần trong chương trình phục hồi ở nhiều quốc gia, và các khoản đầu tư liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tuy nhiên, trong năm nay, lĩnh vực xây dựng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do chi phí và lãi suất tăng.

Ngoài ra, sự phục hồi của nhu cầu thép trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm 2021 chưa được như mong đợi do có những nút thắt trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là vào nửa cuối năm.

Xung đột ở Ukraine có thể khiến chuỗi cung ứng mất nhiều thời gian mới có thể hoạt động bình thường trở lại, đặc biệt là ở châu Âu.

Song, bất chấp sự sụt giảm trong sản lượng ô tô toàn cầu, phân khúc xe điện vẫn tăng trưởng theo cấp số nhân trong thời kỳ đại dịch.

Doanh số bán xe điện vào năm 2021 trên toàn thế giới đạt 6,6 triệu chiếc, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Tỷ trọng xe điện trong tổng doanh số bán xe hơi tăng từ 2,49% vào năm 2019 lên 8,57% vào năm 2021.

Hoàng Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.