Lạm phát tăng và nền kinh tế phục hồi - 'phép thử' chính sách của ECB
Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên của ECB được nhận định rộng rãi là sẽ duy trì lãi suất ở các mức thấp kỷ lục và giữ nguyên chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp sắp tới.
Tuy nhiên, khi triển vọng của nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sáng sủa hơn nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh và nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, các nhà quan sát sẽ chờ đợi các dấu hiệu cho thấy khi nào ECB có thể bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trong khủng hoảng.
Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) của ECB, công cụ chính mà ngân hàng này sử dụng nhằm ứng phó với tác động của dịch, dự kiến sẽ được duy trì đến tháng 3/2022.
Các nhà quan sát cho rằng Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, tại cuộc họp báo vào ngày 10/6 có thể sẽ có nhận định lạc quan về đà phục hồi kinh tế của khu vực nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các biện pháp hỗ trợ.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy (I-ta-li-a) Ignazio Visco tuần trước nói rằng vẫn chưa chắc chắn về quá trình và tốc độ phục hồi kinh tế nên vẫn cần duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi trong một thời gian dài.
Lạm phát tại Eurozone chạm mức 2% trong tháng Năm, vượt qua mức mục tiêu mà ECB đặt ra, đạt mức cao nhất trong gần 3 năm.
Các quan chức ECB nhấn mạnh lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và các mặt hàng dễ biến động khác, vẫn thấp.
ECB sẽ công bố dự báo mới nhất trong ngày 10/6, với lạm phát có thể được điều chỉnh tăng từ mức hiện nay là 1,5% cho năm nay và 1,2% trong năm tới.
Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ không đổi, ở mức 4% trong năm nay và 4,1% trong năm tới.