|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lạm phát, tăng lãi suất và những rủi ro của kinh tế 2022

09:00 | 04/02/2022
Chia sẻ
Bên cạnh những rủi ro về làn sóng dịch COVID-19 mới do biến thể Omicron, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với những lo ngại về vấn đề lạm phát, lao động,...

Sau một năm kinh tế "chạm đáy" do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, hầu hết các chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế đều cho rằng tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo khởi sắc nhờ vào các yếu tố như tỷ lệ tiêm phủ vắc xin nhanh chóng cùng chính sách thích ứng an toàn với dịch,...

Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng tươi sáng, bức tranh kinh tế năm 2022 cũng đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Đặc biệt là khi Việt Nam đã ghi nhận những ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng. Với tốc độ lây lan nhanh chóng, sự xuất hiện của biến chủng này khiến Việt Nam đang phải đứng trước lo ngại về làn sóng dịch mới.

Việt Nam ghi nhận ca Omicron đầu tiên trong cộng đồng và những rủi ro khác của nền kinh tế 2022 - Ảnh 1.

Bên cạnh những rủi ro về làn sóng dịch COVID-19 mới do biến thể Omicron, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với những lo ngại về vấn đề lạm phát, lao động,... (Ảnh minh họa: UNCTAD).

Liệu Omicron có phải là thách thức đối với kinh tế 2022?

Chia sẻ với người viết, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV, cho rằng với việc Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cộng đồng, đây sẽ là rủi ro khá lớn đổi với nền kinh tế. 

Việt Nam ghi nhận ca Omicron đầu tiên trong cộng đồng và những rủi ro khác của nền kinh tế 2022 - Ảnh 1.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV. (Ảnh: Tin nhanh Chứng khoán).

"Rủi ro này nằm ở chỗ Việt Nam có thể đóng cửa một phần, một khu vực nào đó. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam", ông Bùi Nguyên Khoa chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý hiện Việt Nam đã chấp nhận "sống chung với lũ", duy trình trạng thái bình thường mới. Tỷ lệ tiêm phủ vắc xin COVID-19 mũi hai đã đạt hơn 70% và mũi ba thì cũng đang được đẩy lên rất nhanh. 

Như vậy dù biến chủng Omicron hay bất kỳ biến chủng nào khác thì chúng ta cũng phải dần học cách coi COVID-19 giống như một hiện tượng khá phổ thông trong xã hội. Điều quan trọng là chúng ta cần quản lý, giám sát ra sao để hạn chế sự lây nhiễm quá mạnh, không để ảnh hưởng đến hoạt động mở cửa sản xuất.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng hiện Việt Nam đã thích nghi hơn với việc sống chung với dịch bệnh, bằng chứng là thời gian qua Việt Nam đã khôi phục khá mạnh các lĩnh vực và hoạt động kinh tế không còn tình trạng lockdown như quý III/2021.

"Với những con số thống kê của WHO và các nước đang có tỷ lệ nhiễm Omicron khá cao, ông cho rằng chúng ta có thể kỳ vọng biến chủng này sẽ giúp chúng ta tăng khả năng thích ứng với dịch bệnh. Thậm chí, thay vì bình thường mới, chúng ta có thể tiến tới trạng thái bình thường như trước thời điểm năm 2020", ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.

Mặc dù Omicron không phải rủi ro quá lớn tới thời điểm hiện tại, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta vẫn lưu ý tới vấn đề thời gian để có thể dần thích nghi một cách an toàn. 

Nếu có đợt bùng dịch do biến chủng Omicron, Việt Nam cần phải kiểm soát, phản ứng một cách nhẹ nhàng tránh gây quá tải hệ thống y tế. Tuy nhiên, chúng ta không còn phải hoảng sợ như biến chủng Delta cũ, mà phải dần xem đây là một căn bệnh theo mùa.

Lạm phát, tăng lãi suất và những rủi ro của kinh tế 2022

Bên cạnh những rủi ro về diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường, ông Bùi Nguyên Khoa cũng lưu ý thêm những rủi ro khác của nền kinh tế 2022 như vấn đề lạm phát, an sinh xã hội.

"Dịch COVID-19 kéo theo những tác động về an sinh xã hội, trong năm qua dịch bệnh đã kéo theo việc hơn 1,4 triệu lao động ra khỏi hệ thống lao động. Cũng bởi vậy, nền kinh tế muốn quay trở lại hoạt động tốt thì cần phải lưu ý làm sao để người lao động cũng phải quay trở lại sản xuất", Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường, CTCK BIDV chia sẻ.

Tuy nhiên nhìn chung, rủi ro gốc nền kinh tế năm nay liên quan chủ yếu đến dịch COVID-19, nếu kiểm soát tốt thì lực lượng lao động sẽ nhanh chóng quay trở lại, phục hồi kinh tế nhanh.

Ngoài ra, trong quá trình phục hồi thì cũng cần để ý đến lạm phát nhiều hơn. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể giữ mức lạm phát khoảng 3,5-4% là tương đối thành công, mức lạm phát này có đủ độ rộng để giúp chúng ta triển khai các chính sách khác bởi mục tiêu hiện tại là hỗ trợ phục hồi kinh tế, an sinh xã hội. 

"Có thể Chính phủ sẽ nới lỏng mức lạm phát, trong kịch bản xấu hơn nếu mức lạm phát vọt lên hơn 4% một chút thì cũng có thể chấp nhận được trong bối cảnh này", ông Bùi Nguyên Khoa nhận định.

Việt Nam ghi nhận ca Omicron đầu tiên trong cộng đồng và những rủi ro khác của nền kinh tế 2022 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam. (Ảnh: Tạp chí Tài chính).

Cùng chung nhận định về rủi ro lạm phát, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, cho rằng thách thức đầu tiên của nền kinh tế 2022 đến từ lạm phát và lãi suất. 

Ông cho biết yếu tố về lạm phát và lãi suất đang diễn ra tại nhiều quốc gia phát triển và rõ ràng Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Việt Nam có thể kết thúc chu kỳ lãi suất thấp trong năm 2021 và dần tăng trở lại trong năm 2022.

Với rủi ro lạm phát, theo ông nó có thể tăng trở lại trong năm 2022 kéo theo đó là lãi suất sẽ tăng cao. Tuy nhiên, điều này cần phải chờ xem lạm phát sẽ có diễn biến theo chiều hướng nào.

"Nếu lạm phát tăng ở mức vừa phải, trong giới hạn cho phép thì rất có khả năng chúng ta chưa chịu ảnh hưởng mạnh. Nhưng nếu ở mức quá nóng, nguy hiểm ở chỗ là Fed sẽ đưa ra những quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của mình rất nhanh và mạnh trong 2022", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Ông cũng lưu ý kịch bản này có thể quay trở lại như trong năm 2018 thì rất có khả năng kinh tế sẽ chịu cú sốc và đặc biệt thị trường tài chính sẽ chịu cú sốc nặng nhất. Tuy nhiên, nhìn chung năm 2022, lạm phát là yếu tố cần phải chú trọng, song chưa hẳn là một mối lo ngại như thời điểm năm 2018 hay nặng nhất là năm 2010 và 2011.

Thách thức thứ hai vẫn là dịch bệnh. Tất nhiên rủi ro hiện tại đã giảm song thách thức này vẫn chưa kết thúc hoàn toàn 100% bởi chúng ta không thể biết được liệu có còn xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn hay không. Do đó, rủi ro về dịch bệnh vẫn còn "treo lơ lửng".

Thách thức thứ ba đến từ yếu tố về địa chính trị. Chúng ta có thể thấy những mâu thuẫn gần đây giữa Mỹ - Nga, khối EU - Nga hay là mối lo ngại địa chính trị ở khu vực trung đông.  Như vậy, tất cả những yếu tố rủi ro về địa chính trị có thể cũng sẽ ảnh hưởng trong năm 2022.

Cuối cùng là có thể đến từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào thời gian vừa qua chính quyền Tổng thống Biden cũng đã cố gắng giải quyết vấn đề này, tuy nhiên cả hai bên vẫn chưa có sự đồng thuận duy nhất. 

Ông Nguyễn Thế Minh lưu ý rất có khả năng những rủi ro về chiến tranh thương mại sẽ quay trở lại khi mà dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát. Đặc biệt nó có thể gây ra những biến động mạnh như thời điểm năm 2019 mà chúng ta đã từng chứng kiến.

Phương Trang