|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 sự kiện kinh tế khuấy đảo giới đầu tư, chứng khoán, BĐS đầu năm 2022

11:28 | 12/01/2022
Chia sẻ
VinFast muốn xây siêu nhà máy ở nước ngoài, dừng sản xuất xe xăng; Thaiholdings đề xuất xây cảng vũ trụ tỷ USD hay mới nhất là việc HoSE hủy toàn bộ giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết; Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm là những sự kiện thu hút sự chú ý của giới đầu tư đầu năm 2022.

Năm 2022 mở màn với những sự kiện đáng chú ý trên thị trường ô tô điện, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. 

4 sự kiện kinh tế khuấy đảo giới đầu tư, chứng khoán, BĐS đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

VinFast chuẩn bị kế hoạch IPO tại Mỹ, muốn xây siêu nhà máy ở nước ngoài, dừng sản xuất xe xăng

Cuối tháng 12/2021, Vingroup thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Công ty VinFast cho Công ty VinFast Trading and Investment (Singapore) Theo lãnh đạo của Vingroup, việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị để tập đoàn IPO VinFast tại Mỹ.

Đến đầu tháng 1 vừa qua, VinFast tuyên bố dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022. Trong bài phát biểu ra mắt các mẫu mã ô tô điện mới tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES 2022) diễn ra sáng 6/1 tại Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, cho biết: “VinFast sẽ chính thức trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022. VinFast sẽ là một trong những hãng xe tiên phong trên thế giới ngừng sản xuất xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các dòng xe thuần điện”.

4 sự kiện khuấy đảo giới đầu tư chứng khoán, bất động sản đầu năm 2022 - Ảnh 1.

VinFast ra mắt các mẫu mã ô tô điện mới tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES 2022) tại Mỹ sáng 6/1. (Ảnh: VinFast).

Tối cùng ngày, Reuters dẫn thông tin từ bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu cho biết VinFast đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Mỹ. 

Chia sẻ với Reuters, VinFast cho biết họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất ô tô điện ở Mỹ vào cuối năm 2024. Ngoài ra, hãng xe Việt cũng tiết lộ đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện tại Đức.

Thaiholdings đề xuất xây cảng vũ trụ tỷ USD tại Phú Quốc

Cuối tháng 12 vừa qua, CTCP Thaiholdings gây chú ý với tham vọng bay vào vũ trụ. Cụ thể, ngày 29/12, Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thaispace.

Mục tiêu thành lập Công ty cổ phần Thaispace là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam, nếu được các cơ quan quản lý cấp phép. Thaiholdings cũng giao Ban Tổng Giám đốc Công ty hỗ trợ Thaispace xin cơ chế đặc thù trình Thủ tướng để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu sẽ có chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ ngay trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trước đó, ngày 28/12, Thaiholdings thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc đồng ý đề xuất dự án cảng vũ trụ du lịch tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 30.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có của Thaigroup và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026.

HoSE hủy toàn bộ giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết

Sự kiện đáng chú ý nhất liên quan thị trường chứng khoán những ngày gần đây là việc Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 10/1.

Hôm qua 11/1, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý về việc bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện, cơ quan quản lý giao dịch chứng khoán trên HoSE sẽ thực hiện hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC này.

Cơ quan quản lý cho biết các giao dịch này đã vi phạm khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.  

Đồng thời Ủy ban Chứng khoán cũng ra quyết định yêu cầu Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán đứng tên ông Quyết từ 11/1.

Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm

Ở thị trường bất động sản, thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm chính thức được xác nhận vào hôm qua 11/1.

Trước đó, Công ty TNHH đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá lô đất mang ký hiệu 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM diện tích 10.060 m2 với giá 24.500 tỷ đồng.

4 sự kiện khuấy đảo giới đầu tư chứng khoán, bất động sản đầu năm 2022 - Ảnh 2.

Các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) vừa được đấu giá. (Ảnh: Zing).

Trong "tâm thư", ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho biết đây là mức giá "cao bất ngờ" và khẳng định bản thân trước khi tham gia đấu giá cũng không bao giờ nghĩ đến.

Ông Dũng khẳng định "vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước" nên đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng để vượt qua người trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài.

Ông Dũng cho biết sau đấu giá, doanh nghiệp đã suy nghĩ và lắng nghe dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng "kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt".

Trao đổi với TTXVN, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết theo Luật Đấu thầu hiện nay, khi người thắng đấu giá đầu tiên "bỏ cọc" thì người trả giá cao thứ hai sẽ được ưu tiên lựa chọn làm người thắng đấu giá. Tuy nhiên, người trả giá cao thứ hai sẽ có quyền lựa chọn mua hoặc không mua với mức giá đó. 

Trong trường hợp người thứ hai quyết định mua và các quy trình tuân thủ pháp luật thì kết quả trúng thầu được công nhận cho người này.

Ngược lại, nếu người trả giá thầu cao thứ hai từ chối mua lô đất với giá đã trả thì sẽ phải tổ chức lại phiên đấu giá mới với mức giá khởi điểm mới. Khi đó, người trả giá cao thứ hai cho "khu đất vàng" ở Thủ Thiêm cũng sẽ không bị mất tiền cọc.

Anh Đào