|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đấu giá đất Thủ Thiêm: Tại sao những người tham gia đã nỗ lực để trả một mức giá cao, cuối cùng họ buộc phải bỏ cọc?

10:26 | 12/01/2022
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm sẽ tác động đến tâm lý của những người tổ chức đấu giá và các doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá về sau. Chuyên gia đặt vấn đề: Tại sao những người tham gia đã nỗ lực để trả một mức giá cao như vậy mà họ buộc phải bỏ cọc?
‘Vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ tác động đến tâm lý của các doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá’ - Ảnh 1.

Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc lô đất đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm. (Ảnh: Tiền phong).

Tối muộn ngày 11/1, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có thông cáo báo chí về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.

"Nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản, Công ty Ngôi Sao Việt sẽ có văn bản chính thức gửi UBND TP HCM để báo cáo và gửi Trung tâm Phát triển Quỹ đất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM đề nghị đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản của ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, doanh nghiệp chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng này theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản công", thông cáo nêu rõ.

Thông tin này ngay lập tức gây xôn xao dư luận và cũng có không ít luồng ý kiến trái chiều xoay quanh vụ việc. Câu hỏi đặt ra là thị trường bất động sản sẽ ra sao và liệu cơn sốt đất điên cuồng sẽ chấm dứt?

Trao đổi với người viết, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá, sẽ không có hệ lụy nào tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm. Trước đó, khi doanh nghiệp này trúng thầu lô đất với giá 2,45 tỷ đồng/m2, những tác động tới thị trường cũng chỉ do nhiều người tưởng tượng ra và đều không có bằng chứng.

Do đó, việc một doanh nghiệp bỏ cọc là chuyện rất bình thường và đã được tính toán khi chuẩn bị tổ chức đấu giá. Bởi tất cả mọi cuộc đấu giá đều yêu cầu người tham gia đặt cọc để đề phòng trường hợp bỏ cọc.

Hình thức giao đất thông qua đấu giá có thể sẽ không có tác động tích cực đến thị trường nữa mà nó tác động đến tâm lý của cả những người tổ chức đấu giá, các cấp chính quyền và các nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Theo vị chuyên gia này, việc đấu giá nói trên đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Nếu có tác động, sự kiện bỏ cọc lần này của nhóm Tân Hoàng Minh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cả những người tổ chức đấu giá, các cấp chính quyền và các doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá về sau, qua đó tác động tiêu cực đến hình thức giao đất thông qua đấu giá.

"Tại sao một vụ đấu giá công khai minh bạch như vậy lại không được cổ vũ? Tại sao những người tham gia đã nỗ lực để trả một mức giá cao như vậy mà họ buộc phải bỏ cọc? Đáng ra những trường hợp như vậy phải được động viên, khuyến khích nhưng nhiều người đã làm ngược lại", TS. Vũ Đình Ánh đặt vấn đề.

Cũng theo vị chuyên gia này, nhận định cho rằng giá đất tại TP HCM liên tục tăng sau vụ đấu giá đất này là không chuẩn xác. Nếu doanh nghiệp đẩy giá lên thì quan trọng không phải là mức giá được đưa ra mà là giá giao dịch thật sự. Đơn cử, mức giá 2,45 tỷ đồng/m2 mà Tân Hoàng Minh đưa ra nếu không bỏ cọc thì mới gọi là giá giao dịch thật sự. Còn họ đã bỏ cọc rồi thì đó không phải là giá giao dịch.

"Đến giá đất đấu giá còn như thế huống hồ là mức giá mà các nhà đầu tư ở Thủ Thiêm đẩy lên để ăn theo vụ đấu giá này thì càng không phải là giá giao dịch.

Ngoài ra, chuyện sốt giá đất thì không phải chỉ riêng Thủ Thiêm mà cả nước sốt. Trước khi tổ chức vụ đấu giá đất Thủ Thiêm thì suốt năm 2021 đã xảy ra tình trạng sốt khắp nơi, nó chỉ chững lại khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh. Còn khi dịch được cơ bản kiểm soát thì cơn sốt lại bùng khắp nơi. Do đó, việc sốt đất không liên quan trực tiếp gì đến việc trúng đấu giá của Tân Hoàng Minh", vị chuyên này này nhấn mạnh.

Đối với ba nhà đầu tư còn lại, theo TS. Vũ Đình Ánh, vụ việc này cũng không làm ảnh hưởng đến họ. Bởi mỗi doanh nghiệp trả một mức giá khác nhau và họ cũng không bỏ ra số tiền lớn như Tân Hoàng Minh. Do đó, không thể khẳng định họ sẽ có xu hướng bỏ cọc theo.

"Theo tôi, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc phần lớn là do những áp lực từ bên ngoài chứ không phải họ chủ đích đấu giá cho vui để bỏ cọc bởi họ cũng mất đến 600 tỷ đồng. Số tiền này không hề nhỏ.", ông Ánh nói.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sau khi xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, bên cạnh gần 600 tỷ đồng tiền đặt trước, cái mất lớn nhất của Tân Hoàng Minh là danh dự và uy tín. Bởi trên thị trường, Tân Hoàng Minh hiện được nhiều người đánh giá là một nhà đầu tư có thực lực.

Ông Đính cũng cho rằng, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ không có nhiều tác động đến giá đất Thủ Thiêm. Tuy nhiên, khi nguồn cung dồi dào, thị trường sẽ tự điều tiết về đúng giá trị thực. Muốn nguồn cung dồi dào, Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản về chính sách pháp lý.

Hà Lê