Lạm phát phải đến hết tháng 8 mới có thể hạ nhiệt
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng khả quan 6,4% trong nửa đầu năm. Trong kịch bản cơ sở, VDSC dự báo tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV ở khoảng 6,6 - 6,8%, tăng trưởng cả năm ở mức 6,5%.
Nêu dẫn chứng cho dự báo này, các chuyên gia VDSC cho rằng triển vọng tăng trưởng đang nghiêng về chiều hướng tích cực khi các dữ liệu kinh tế tháng 7 cho thấy động lực tăng trưởng ở khu vực sản xuất đang mạnh mẽ. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số PMI tiếp tục duy trì ở mức cao là 54,7 điểm.
Trong các tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì nhờ: Tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất giữ vững; lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản cải thiện nhẹ và đầu tư đang tăng tốc tốt ở khối ngoài nhà nước và FDI, bù đắp cho tốc độ tăng chậm lại của đầu tư công.
Hiện tại, tăng trưởng thương mại của Việt Nam được thúc đẩy bởi chu kỳ phục hồi của mặt hàng điện tử, nhu cầu tích trữ hàng hoá của các nhà bán lẻ Mỹ trước quan ngại về leo thang chiến tranh thương mại và hiệu ứng mức nền thấp. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng thương mại của Việt Nam có thể chững lại trong quý IV do tác động của mức nền cao.
Xét cả năm 2024, tăng trưởng xuất và nhập khẩu có thể đạt ở mức trên hai chữ số, lần lượt là 14% và 18% so với cùng kỳ. Thặng dư thương mại cả năm 2024 ước đạt 19 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 28,3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Rủi ro đối với triển vọng xuất khẩu có thể xảy ra khi nhu cầu tích trữ hàng hoá tại Mỹ chững lại trong quý cuối năm.
Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục cải thiện nhẹ nhờ chính sách cải cách tiền lương và tác động trễ của chính sách tiền tệ. Quy mô ngân sách dành cho chương trình cải cách tiền lương năm 2024 ước tính khoảng 1,2% tổng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ và 0,7% quy mô GDP hiện hành năm 2023.
Mặc dù, mặt bằng lãi suất huy động đã nhích tăng trở lại, lãi suất cho vay bình quân vẫn sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trong nửa cuối năm 2024. Do đó, tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng vẫn có thể hưởng lợi phần nào từ yếu tố này.
Trong kịch bản lạc quan, VDSC dự báo tăng trưởng cả năm nay có thể vượt mục tiêu cận trên của Chính phủ và đạt được mức tăng 6,7 - 7,0%. Trái lại, kịch bản tiêu cực với xác suất xảy ra thấp hơn là nền kinh tế tăng chậm lại từ quý IV do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ suy giảm nhanh chóng dẫn đến xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam giảm tốc.
Phát đến tháng 8 lạm phát mới hạ nhiệt
Đánh giá nền kinh tế có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt, song các chuyên gia phân tích từ VDSC cũng lưu ý, lạm phát quý II đã tăng 4,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,8% của quý I, chủ yếu là do phản ánh thay đổi mạnh theo năm của một số mặt hàng thực phẩm (giá gạo, giá thịt heo,…)
Mức tăng theo tháng của chỉ số giá tiêu dùng khá thấp, bình quân chỉ 0,2% trong 4 tháng gần nhất. Đồng thời, khoảng cách giữa lạm phát chung và lạm phát lõi đang mở rộng.
"Chúng tôi cho rằng lạm phát có thể hạ nhiệt dần từ tháng 8 do mức nền cao của cùng kỳ", báo cáo nhận định.
Mặc dù vậy, áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm sẽ được thúc đẩy bởi một số yếu tố.sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như: Điện, giáo dục, y tế, cũng như, ảnh hưởng của tỷ giá lên các mặt hàng nhập khẩu (xăng dầu) và tác động của cải cách tiền lương.
Do đó, VDSC điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm 2024 từ mức 3,5% lên 3,8%.