|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ KHĐT: Áp lực lạm phát cuối năm rất lớn

14:04 | 05/08/2024
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngoài yếu tố chu kỳ là lạm phát thường tăng vào cuối năm, áp lực lạm phát còn tới từ những yếu tố rất khó dự báo, đặc biệt là tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, biến động giá cả hàng hóa, lương thực thế giới.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, khó khăn, thách thức vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, khu vực.

Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Cụ thể, trong quý II, Trung Quốc, Hàn Quốc tăng trưởng thấp, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo nhưng còn nhiều rủi ro và khả năng cắt giảm lãi suất của các nền kinh tế lớn ngày càng rõ nét hơn để hỗ trợ tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng tích cực hơn, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Trong đó, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ, 7 tháng tăng 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.

Ngoài ra, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%. Chất lượng dòng vốn FDI tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng.

“Một số tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024. Việt Nam nằm trong danh sách những điểm đến tốt nhất thế giới; phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN và đứng thứ 8 thế giới về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn: MPI).

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro 

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế xã hội trong nước.

Về phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, tình hình thời tiết không thuận lợi, bão lũ, mưa lớn kéo dài, nhất là ở vùng miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức mua tại các thị trường lớn, tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm, nhất là các dự án có quy mô lớn, dự án sử dụng vốn đầu tư công. 

Các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chip bán dẫn…chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Đề án Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chậm được ban hành.

Về phía cầu, sức mua trong nước 7 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015  -2019 tốc độ tăng trưởng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. 

Doanh nghiệp đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị trường thế giới và trong nước, rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại ngày càng lớn, đồng thời với việc bị áp thuế chống bán phá giá và yêu cầu phải đáp ứng nhanh hơn các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải các-bon…

Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Trong nửa cuối năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 140.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó trái phiếu bất động sản khoảng 59 nghìn tỷ đồng, tương đương 42%. 

Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro như áp lực lạm phát lớn. Ngoài yếu tố chu kỳ lạm phát thường tăng vào cuối năm còn có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, biến động giá cả hàng hóa, lương thực thế giới.

Áp lực tỷ giá vẫn là thách thức lớn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao, yêu cầu chính sách tiền tệ phải dành nhiều nguồn lực hơn để ứng phó. 

Phấn đấu tăng trưởng GDP quý III đạt 6,5 - 7,4%

Để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP quý III đạt kịch bản 6,5 - 7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và khai thác tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các FTA đã ký. 

Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương được giao nguồn vốn đầu tư công lớn cần bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia;; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh đầu tư trong các ngành sản xuất kinh doanh chính.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... thông qua xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, rà soát các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn để có giải pháp phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4,5%.

Chủ động phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm.

"Không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến lương thực, thực phẩm, xăng dầu...; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá... Sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống", Bộ trưởng nêu rõ. 

Ngọc Bảo

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.