'Tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm tạo dư địa để NHNN nới lỏng'
Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, Chứng khoán Shinhan (SSV) cho biết nhờ khả năng cao tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi.
Về yếu tố tỷ giá, SSV cho biết sau giai đoạn NHNN quyết liệt bán can thiệp tỷ giá và hút thanh khoản cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất, tỷ giá trên thị trường tự do có tín hiệu hạ nhiệt.
Tính đến hết tháng 7/2024, tỷ giá trên thị trường tự do giảm về mức 25.630 VND đổi một USD, qua đó giúp cho tiền đồng chỉ còn mất giá khoảng 3,68% so với đầu năm. Cuối tháng 6, tỷ giá trên thị trường tự do từng mất 4,9%. Đến ngày 5/8, tỷ giá mua vào - bán ra trên thị trường tự do 25.600 - 25.700 VND/USD.
Tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại hiện nay đa phần cũng đã giảm xuống dưới trần bán can thiệp của NHNN là 25.450 VND/USD. Trên thị trường ngoại hối quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng đã hạ nhiệt đáng kể, xuống còn 25.100 vào phiên 5/8, tương ứng mức tăng 3,45% kể từ đầu năm đến nay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm sâu, xuống 3,768% vào cuối ngày 4/8 (giờ Mỹ). Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed đã hạ lãi suất mạnh tay hơn khi nền kinh tế Mỹ suy yếu.
Một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố vào cuối tuần trước, bao gồm chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất dưới 50 và báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến khiến thị trường lo ngại rằng Fed đã quá chậm chân trong việc hạ lãi suất.
Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với một rổ gồm 6 đồng tiền mạnh khác, đã sụt giảm về 102,84 điểm, sát mức đáy được hình thành từ ngày 10/3. Hiện tại, thị trường tương lai đang đặt kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, với quy mô từ khoảng 1,25 điểm %.
SSV cho rằng ngay cả trong trường hợp Fed chưa hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 9, chu kỳ thắt chặt tại Mỹ đã đến giai đoạn cuối, từ đó giúp giảm dần áp lực cho tỷ giá trong những tháng cuối năm.
Trong một báo cáo trước đó, Ngân hàng Shinhan Bank dự báo tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt. Các chuyên gia từ Shinhan Bank dự báo tỷ giá USD/VND bình quân năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 25.040 đồng.
Về yếu tố lạm phát, các chuyên viên phân tích nhận định áp lực lên CPI vẫn còn hiện diện trong giai đoạn nửa cuối năm. Theo đó, việc nâng lương cơ bản từ 1/7 và VND mất giá khiến cho giá nguyên vật liệu nhập khẩu gia tăng vẫn sẽ là những tác nhân chính đè nặng lên lạm phát, SSV đánh giá.
Ở chiều ngược lại, SSV cho rằng dù đà tăng CPI đang ở mức cao nhưng chi phí cho giáo dục, cấu thành đóng góp khoảng 0,5 điểm % vào CPI chung sẽ không còn nhiều tác động lên CPI trong quý IV/2024.
Nguyên nhân là trong quý IV/2023 là thời điểm một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và một số trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023 - 2024 để bảo đảm chi thường xuyên.