Lạm phát 2016 có thể thấp hơn nhờ cách tính mới
Theo công bố sáng 28/12 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,74% so với tháng 12/2015. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, từ năm 2017, Việt Nam sẽ chính thức dùng mức tăng của CPI bình quân cả năm này để xác định chỉ số lạm phát.
Như vậy, nếu áp dụng cách tính mới ngay từ năm 2016, lạm phát cả năm nay chỉ là 2,66% thay vì 4,74%. Cả 2 mức này đều thấp hơn giới hạn được Quốc hội cho phép là 5%. Cũng nhờ những kết quả này, 2016 được coi là năm thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá cả nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần thị trường, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.
Lạm phát từ năm 2017 sẽ tính theo chỉ số CPI tăng bình quân cả năm.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo sáng 28/12, bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống kê cũng dẫn 3 lý do giải thích cho sự thay đổi này.
Thứ nhất, theo bà, cách tính lạm phát theo mức tăng CPI tháng 12 năm nay với cùng thời điểm tháng 12 năm trước chỉ phản ánh được giá tháng cuối năm chứ không nói được sự biến động của các tháng còn lại trong năm. "Nếu tính vào hai thời điểm như vậy không bao quát và phản ánh được đầy đủ. Bên cạnh đó, khi tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác cũng cần dựa vào chỉ số CPI bình quân năm nên nếu giữ cách tính lạm phát như cũ sẽ không thống nhất", bà Thuỷ nói.
Lý do thứ ba, là cách tính này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. "Các nước khác đều tính CPI bình quân là thước đo lạm phát nên khi chúng ta chuyển sang dùng CPI bình quân là hoàn toàn phù hợp", bà giải thích.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết từ năm 2016, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội không nên đặt mục tiêu lạm phát cho cả giai đoạn 5 năm như với 2011-2015 mà nên đặt theo năm. "Nếu chúng ta đặt ra một mức thì nhiều khi tự trói chân mình. Chỉ tiêu CPI còn ảnh hưởng bởi những yếu tố trong nước, quốc tế. Nếu dự báo trong thời gian trung hạn như vậy thì rất khó khăn", ông Lâm nói.
Đại diện ngành thống kê cũng nói thêm, dù có không ít cơ hội nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 cũng là một thách thức lớn. Ông lý giải, kinh tế thế giới dù phục hồi nhưng còn chậm. Chưa kể "hậu Brexit" và việc ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ với những chính sách theo chủ nghĩa dân tuý, bảo hộ mậu dịch của nền kinh tế trong nước có thể cũng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Lý do theo ông Lâm là độ mở của nền kinh tế Việt Nam, theo nghiên cứu trong 5 năm 2011-2015, rất lớn và liên tục tăng qua các năm. "Độ mở của nền kinh tế" được Tổng cục Thống kê tính toán dựa vào tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị hàng hoá dịch vụ xuất nhập khẩu với GDP. Ví dụ như năm 2011, độ mở của nền kinh tế là 163,8%, giảm nhẹ xuống 156% năm 2012 nhưng tăng lần lượt lên 164%, 179% và 180% từ năm 2013 đến năm 2016. "Điều này phản ánh kinh tế Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại thế giới và nhu cầu của các nước đối tác", ông Lâm nói. Bên cạnh đó, theo ông, những vấn đề về biến đổi khí hậu, cảnh báo ô nhiễm môi trường có thể cũng là những thách thức không nhỏ cho năm 2017.