Làm gì để ‘chữa bệnh’ sợ cắt lỗ, nghiện giao dịch?
Tiếp tục câu chuyện thời điểm hiện tại, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI cho rằng những nhà đầu tư chứng khoán thắng lớn trong hai năm vừa qua có thể do “bước qua mùa hoa đẹp nhất”, không xuất phát từ phương pháp đầu tư đặc biệt. Trước trạng thái tài khoản thua lỗ, nhiều nhà đầu tư nghĩ đến chuyện bán ra để “cắt lỗ”.
Nhưng số khác lại quan điểm rằng thị trường có thể diễn biến giống như 2 năm về trước đó là đi xuống và sẽ đi lên. Sau mỗi đợt điều chỉnh lại là cơ hội mới. Câu khỏi là khi nào nhà đầu tư nên quyết định cắt lỗ?
“Cái tôi” và chuyện cắt lỗ cổ phiếu
Quan điểm từ ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, tâm lý sợ thua lỗ, đánh giá việc thua lỗ nặng nề hơn việc mất lãi là tâm lý nhà đầu tư cần tránh. Với nhiều người, việc chịu lỗ là một cảm giác rất nặng nề.
“Nói rộng hơn có thể nói cái tôi của mình quá lớn, rất khó chấp nhận rằng mình thua lỗ và hiện thực hóa khoản lỗ của mình khó khăn. Mọi người thường sẽ cố gắng giữ khoản lỗ ấy đến khi “về bờ”, cảm giác mình cũng không bị kém quá. Nhiều khi tệ hơn nữa là “cưa chân bàn”, bắt đầu mua trung bình giá vốn. Tôi nghĩ đấy là tâm lý cần nên tránh.
Mình đầu tư chỉ cần có lợi nhuận thôi cho nên cái tôi của mình không quan trọng lắm, bỏ ra ngoài cũng được, nhận sai và làm lại. Nếu như cố trở về bờ, trung bình giá vốn, điều đấy không nên”, ông Hưng nói.
Còn theo phân tích của ông Hoàng Thanh Tùng, CEO CTCP Đầu tư Finpros, “đại đa số mọi người không gồng được lãi nhưng gồng lỗ rất giỏi, chúng ta làm ngược lại cái nên làm nên vừa giao dịch vừa lỗ và phải trả phí”.
Trong nhiều tình huống, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu rất lâu và chịu tình trạng thua lỗ dài. Nhưng khi cổ phiếu bắt đầu có lãi, tâm lý chốt lời sẽ tăng lên rất mạnh.
Khi nào nên cắt lỗ?
Trở lại với câu chuyện cắt lỗ, ngưỡng phần trăm bao nhiêu là hợp lý? Khi nhiều môi giới đưa ra những mức như 5%, 7% hay 10%. Còn theo kinh nghiệm của CEO của Finpros, ngưỡng cắt lỗ phụ thuộc vào từng mã chứng khoán khác nhau. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đặt ra những chốt lời cao hơn ngưỡng cắt lỗ.
“Chúng ta phải gồng lãi và cắt lỗ nhanh. Chúng ta để ngưỡng chốt lời xa ra, một lần lãi phải đủ bù một lần thua cộng thuế phí của cả lần lỗ và lần lãi”, CEO Finpros khuyến nghị.
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia từ Finpros khuyên nhà đầu tư tránh để tình trạng thua lỗ sâu, tức là khi lỗ không để mức lỗ cao. Để phòng thủ, nhà đầu tư phải cắt lỗ rất nhanh chóng. Vị thế lướt sóng ngắn hạn hay đầu tư dài hạn cần phải được xác định rõ khi đưa ra quyết định.
Theo ông Tùng, khi nhà đầu tư mua vào và xác định nắm giữ ngắn hạn và thua lỗ, đồng nghĩ những phán đoán sai rồi, khi đó nhà đầu tư phải cắt lỗ ngay lập tức. Nếu nhà đầu tư mua vào với tư tưởng phân tích dài hạn hàng tháng, hàng năm, hàng quý sẽ không quan tâm lên xuống.
Làm gì khi nhà đầu tư “nghiện giao dịch”?
Đó là những quan điểm liên quan đến câu chuyện cắt lỗ, một thói quen khác cũng thường xuất hiện ở nhà đầu tư, đặc biệt là những F0 đó là “nghiện giao dịch”. Những cổ phiếu trong tài khoản liên tục được mua bán để “đảo hàng”, chạy theo cũng con sóng của thị trường.
Bình luận về xu hướng này, CEO Finpros cho rằng việc giao dịch liên tục khiến nhà đầu tư trả mức phí rất cao nên việc giao dịch thường xuyên không phải dành cho tất cả mọi người.
Những quỹ giao dịch lớn trên thế giới giao dịch thường xuyên bởi hai lý do. Thứ nhất, các quỹ đầu tư có thể được áp dụng mức phí 0% thậm chí là âm. Một số sàn giao dịch có thể trả thêm phí cho các quỹ đầu tư nếu đạt được thanh khoản lớn. Thứ hai, các quỹ đầu tư có công cụ rất mạnh từu con người, hệ thống, thông tin. Do đó, năng lực dự đoán thị trường tốt hơn các nhà đầu tư cá nhân. Những lợi thế cạnh tranh giúp các quỹ đầu tư dễ dàng chiến thắng hơn.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch thường xuyên. Nói thêm về tâm lý của nhà đầu tư, khi giao dịch và lãi vài lần, não bộ trong trạng thái rất tốt, rất thăng hoa và nhìn mọi thứ sáng suốt. Nhưng khi lỗ vài lần liên tiếp với số tiền tương đối lớn, trạng thái lúc đó sẽ đối ngược hoàn toàn bởi vì nhà đầu tư mất kiểm soát, hoảng loạn và không thể nào nhìn tình huống một cách rõ ràng.
Giải pháp cho vấn đề này là việc ghi chép nhật ký giao dịch. Những giao dịch được thống kê những cổ phiếu có lãi và lãi bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu mã lỗ. Khi xác suất giao dịch lãi và lỗ giảm từ 60/40 xuống còn 50/50 hoặc tỷ lệ khác, nhà đầu tư có thể dừng giao dịch.