|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lâm Đồng đẩy mạnh đầu tư vườn ươm giống cà phê

15:37 | 14/01/2019
Chia sẻ
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ban quản lý Dự án VnSAT triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư nâng cấp các vườn ươm giống cà phê theo đúng quy định của dự án.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất danh mục vườn ươm giống cà phê tư nhân thực hiện đầu tư nâng cấp, thuộc dự án VnSAT Lâm Đồng.

Theo đó, vườn ươm Lâm Huê (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà), vườn ươm hộ kinh doanh cây giống cà phê Nguyễn Minh Quốc (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà), vườn ươm Bảy Hồng (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà), vườn ươm Hữu Thiên (phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc), vườn ươm giống cà phê Đăng Sang (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) được hỗ trợ nâng cấp vườn ươm giống cà phê trong năm 2019.

lam dong day manh dau tu vuon uom giong ca phe
Lâm Đồng đẩy mạnh đầu tư vườn ươm giống cà phê

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng triển khai thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư nâng cấp các vườn ươm giống theo đúng quy định của dự án.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, tình hình sâu, bệnh hại trên cây cà phê chè diễn biến phức tạp, vườn cà phê ngày càng già cỗi, tuy nhiên nguồn giống cà phê chè phục vụ tái canh, trồng mới chưa đảm bảo, người dân còn sử dụng cây giống chưa rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng để sản xuất.

Do đó, trong quá trình thực hiện dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng sẽ phối hợp với các địa phương lựa chọn đầu tư, hỗ trợ nâng cấp, xây dựng các vườn ươm giống cà phê chè tại một số địa phương có diện tích cà phê chè lớn của tỉnh như TP. Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà,... trong năm 2019 và các năm tiếp theo để phục vụ sản xuất, cho ra sản phẩm cà phê chè đạt chất lượng trên thị trường.

Theo Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh khu vực này đến hết năm 2017 là 98.210 ha (đạt trên 81% kế hoạch đến năm 2020 là 120.000 ha).

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất 51.971 ha (113% kế hoạch đến 2020); Đắk Lắk 22.850 ha (77% kế hoạch đến 2020); Đắk Nông 10.342 (42% kế hoạch đến 2020); Gia Lai 9.409 (53% kế hoạch đến 2020).

Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng xuất và chất lượng cà phê nhân nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo Hiệp hội Cà phê - Caocao Việt Nam, bên cạnh 120.000 ha cần tái canh theo Đề án, vẫn còn 100.000 ha nữa đang cần được tái canh.


Đức Quỳnh