|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi suất vay bất lợi cho người mua nhà

12:08 | 02/03/2017
Chia sẻ
Tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn chạm ngưỡng quy định buộc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để huy động thêm vốn khiến lãi suất cho vay mua nhà tăng lên.

Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài

Trước thông tin một số ngân hàng (NH) tăng lãi suất tiền gửi, chị Lê Thị Liên (quận Phú Nhuận, TP HCM) bộc bạch: “Năm 2017, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của NH mà tôi vay vốn đã lên tới 6,5%/năm khiến tôi phải trả lãi suất 9,5%/năm với khoản vay, làm tăng chi phí mua nhà”.

Sức ép từ tỉ lệ sử dụng vốn

Chị Liên cho biết cách đây 3 năm, chị vay một NH lớn 1,6 tỉ đồng để mua nhà trong thời hạn 15 năm, lãi suất 9%/năm áp dụng trong năm đầu tiên. Từ năm thứ 2 trở đi, lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 3% .

Lãi suất huy động tăng khiến nhiều người gánh thêm lãi suất vay mua nhà Ảnh: Tấn Thạnh.

Tuy nhiên, do trong năm 2015, chị Liên đã trả được 800 triệu đồng, đồng thời năm 2016, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại NH cho vay giữ ở mức 6%/năm nên chị chỉ trả lãi 9%/năm, tính ra số tiền phải trả khoảng 6 triệu đồng/tháng. Còn hiện nay, chị phải trả lãi 9,5%/năm cho 800 triệu đồng còn nợ, tức mỗi tháng trả khoảng 6,3 triệu đồng.

Thế nhưng, điều mà chị Liên và nhiều người khác lo lắng là tới đây, nhiều khả năng các NH lớn sẽ tăng tiếp lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên 7%-7,5%/năm. Khi đó, lãi suất cho vay mua nhà tối thiểu là 10%/năm, tăng thêm 1 điểm phần trăm so với năm 2016, đồng nghĩa với chi phí mua nhà tăng tiếp.

Một trong những nguyên nhân mà NH tăng lãi suất tiền gửi là từ năm nay, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm từ 60% còn 50% và xuống tiếp 40% vào năm 2018; đồng thời các NH đã sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay xây dự án bất động sản quá nhiều nay phải tăng lãi suất tiết kiệm để tăng cường huy động vốn nhằm đưa tỉ lệ sử dụng vốn về đúng quy định.

Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cuối năm 2016, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống NH tăng lên 35% (cuối năm 2015, tỉ lệ này là 31,8%). Tại một số NH, tỉ lệ này cao sát mức trần quy định 50% (áp dụng từ đầu năm 2017).

Tung chiêu huy động vốn dài hạn

Thực tế cho thấy không ít NH tăng lãi suất huy động vốn dài hạn không chỉ để giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn mà còn mạnh tay cho vay bất động sản nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh. Những NH này khuyến khích người gửi tiền ngắn hạn chuyển sang gửi kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng với lãi suất khá cao (7%-8%/năm). Thậm chí, một số NH còn dùng thủ thuật để người gửi rút tiền trước hạn mà vẫn được hưởng nguyên lãi suất.

Giới phân tích cho rằng NH nào đối phó với quy định sử dụng vốn bằng cách thu hút tiền gửi dài hạn với lãi suất cao sẽ làm cho người đã vay tiền NH mua nhà tăng thêm chi phí. Bởi lẽ, họ thường cam kết với NH lãi suất cho vay từ năm thứ 2 trở đi sẽ bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ 3%-4%. Nếu vì lãi suất tăng lên mà người vay tiền mua nhà không trả được nợ thì NH đối mặt với nợ xấu. Các chủ đầu tư dự án nhà đất cũng không thu được tiền để tất toán nợ vay NH. Như thế, nợ xấu của NH sẽ đến từ hai phía - người mua nhà lẫn chủ đầu tư.

Hạn chế cho vay kinh doanh nhà đất

Lãnh đạo của nhiều NH thương mại cho rằng ngoài việc giới hạn tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản lên 200%, NH Nhà nước có thể tăng thêm hệ số rủi ro cho vay lĩnh vực này lên 250% trong thời gian tới, đồng nghĩa cho vay bất động sản sẽ bị hạn chế hơn nữa. Khi đó, thị trường nhà đất có thể bị ảnh hưởng bởi có đến 70% người vay tiền NH để mua căn hộ là để đầu cơ và đối tượng này có thể bán tháo căn hộ vì thiếu hụt vốn.

Thy Thơ